Vi   En

Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

02432012355

Bài học nào từ Mở cửa?

Quay lại

 


Tác phẩm Thả cá (Phóng sinh) của họa sĩ Lê Thiết Cương.

 Font Size:     |  

Phá cách về hình thức tổ chức, lấy cốt lõi là chất lượng nghệ thuật và tư duy đổi mới, triển lãm “Mở cửa- Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016)” là hoạt động đang được giới nghề và đông đảo công chúng yêu nghệ thuật trông đợi. Không chỉ bởi biên độ dài về thời gian, những quan tâm đến sự kiện còn là câu hỏi, đâu là những gương mặt đủ sức đại diện cho quãng dòng ba thập kỷ nhiều dấu ấn của nghệ thuật tạo hình đất nước.

Tinh hoa 30 năm dồn tụ

Diễn ra vào tháng 9 tới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Mở cửa là cuộc triển lãm đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức với nhiều hình thức mới mẻ, mang ý nghĩa tổng kết một giai đoạn quan trọng của nền mỹ thuật nước nhà: 30 năm đổi mới.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL) cho biết, Mở cửa không đơn thuần là một triển lãm mà hơn thế, là sự kiện vinh danh các họa sĩ có dấu ấn trong dòng chảy 30 năm qua của mỹ thuật Việt Nam. Qua đó, để công chúng, giới mỹ thuật và xã hội có cái nhìn khái quát về đời sống mỹ thuật trong ba thập kỷ qua, đồng thời là lăng kính soi chiếu giúp người xem có cái nhìn toàn diện về tâm thế sáng tác, những hứng khởi khi thay đổi và bộc lộ bản thân của từng nghệ sĩ trong giai đoạn đổi mới.

Khác với những triển lãm mỹ thuật thông thường, Ban tổ chức sẽ không ngồi đợi họa sĩ gửi tác phẩm mà ngược lại, có những giám tuyển độc lập tìm kiếm, sàng lọc và đề cử danh sách các họa sĩ có dấu ấn nghệ thuật đại diện cho diện mạo nền mỹ thuật nước nhà 30 năm qua. Với tiêu chí này, trong nhiều tháng qua, các giám tuyển đã đi khắp cả nước, gặp gỡ từng nghệ sĩ để lắng nghe chia sẻ về những tâm thế, thay đổi của từng cá nhân khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Một điều rất tạo tò mò là trong 50 gương mặt của triển lãm sẽ không có những cái tên đã quen thuộc với truyền thông và công chúng. Các giám tuyển của sự kiện lý giải, với tiêu chí cốt lõi là chất lượng nghệ thuật và tinh thần đổi mới, cách nhìn của truyền thông, công chúng và những người giám tuyển trong nhiều trường hợp có thể lệch nhau. Dù là nghệ sĩ đình đám, in đậm dấu ấn trên truyền thông nhưng trong con mắt của các nhà tuyển chọn thì không hẳn đó là những nghệ sĩ có dấu ấn tiêu biểu về chất lượng nghệ thuật.

PGS, NGND, họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, một trong những đề cử “nặng ký” đã tỏ ra khá phấn chấn. Cùng với Đặng Thị Khuê, Lương Xuân Đoàn, Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri, Nguyễn Quân, Lê Huy Tiếp, Đỗ Sơn..., Lê Anh Vân thuộc “thế hệ vàng” của giai đoạn trước năm 1986. Sau 1986, sự đổi mới ngôn ngữ trong sáng tác của ông đã tạo nên những ảnh hưởng lớn và nhận được sự chia sẻ của đồng nghiệp, đặc biệt là các thế hệ học trò. “Đổi mới đã làm cho các nghệ sĩ háo hức, nhiều người thay đổi quan niệm, cách nhìn về cuộc sống, sáng tác, dám bộc lộ hết mình và mạnh dạn nói lên những quan điểm cá nhân, điều mà trước đó không ít người vẫn còn e dè...”, họa sĩ Lê Anh Vân bộc bạch. 

Tiếp sức cho đương đại

Họa sĩ Lê Anh Vân cũng cho rằng, các nghệ sĩ giai đoạn đầu Đổi mới chính là lực lượng nòng cốt, những nhân tố đã tạo nên sức ảnh hưởng, tác động rõ nét đến các thế hệ sáng tác sau này. Là gương mặt cao niên nhất ở triển lãm, họa sĩ Trần Lưu Hậu (sinh năm 1928) là một điển hình về những dấu ấn đổi mới mạnh mẽ, luôn nhiệt huyết, trẻ trung và tươi mới trong sáng tác. Thuộc thế hệ họa sĩ học khóa Tô Ngọc Vân trên chiến khu Việt Bắc, với Trần Lưu Hậu, “làm nghệ thuật là lao động, phải thường xuyên lao động thì mới sáng tạo được”. Bởi thế, đã gần 90 tuổi nhưng họa sĩ già vẫn miệt mài lao động.

Những tiếp nối thế hệ, những phong cách, trường phái sáng tác khác nhau cùng hiện hữu trong một không gian chung mang tên mỹ thuật 30 năm đổi mới. Ở đó có một Đinh Ý Nhi với những tác phẩm biểu hiện mỹ cảm của hình thể và đen, trắng; là Thành Chương luôn đắm đuối với âm hưởng tạo hình của mỹ thuật dân gian; là Lê Thiết Cương luôn tìm đến sự tối giản trong nghệ thuật; một Phan Phương Đông âm thầm với một tinh thần điêu khắc mang cốt lõi triết lý; một Phạm Bình Chương bị lôi cuốn bởi hội họa hiện thực và phố Hà Nội cũ kỹ để đi vào một ngã rẽ yên ả trong thời kỳ hội nhập...

Được kỳ vọng sẽ là một cuộc phô diễn sức mạnh của giới tạo hình Việt Nam trong 30 năm đổi mới, Mở cửa còn được xem như một sự “tiếp sức” vào dòng chảy liên tục của nền mỹ thuật Việt. Giám tuyển, họa sĩ Phạm Hà Hải cho rằng, mở cửa và đổi mới là câu chuyện lịch sử ngay tại thời chúng ta đang sống. Mỹ thuật đã ra sao? Đã làm gì? Và để lại bài học nào cho chính chúng ta?... Giám tuyển Nguyễn Đức Bình cũng chia sẻ, Mở cửa đồng thời là một điểm lặng để tất cả cùng nhìn lại, để tìm hiểu vì sao ngay trong giai đoạn đổi mới lại có những lúc mỹ thuật Việt Nam buồn tẻ, trầm lắng; hơn thế, là để tìm ra hướng đi, giải pháp khơi thông dòng chảy của nền mỹ thuật nước nhà trong thời kỳ hội nhập.

Sau triển lãm tại Hà Nội (21 đến 29-9), triển lãm sẽ tiếp tục được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Một hội thảo quốc tế cũng dự kiến sẽ được tổ chức trong dịp này. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, hội thảo là dịp để các nhà chuyên môn trong và ngoài nước, các nhà quản lý cùng nhìn lại quá trình phát triển của mỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn đổi mới. 
 

 

Theo: Tuệ Minh

Báo nhân đân

Sản phẩm

Dịch vụ