Vi   En

Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

02432012355

ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN VÀ ÁNH SÁNG NHÂN TẠO

Quay lại

 

ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN VÀ ÁNH SÁNG NHÂN TẠO

 

 

Ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo

 

Ánh sáng nhân tạo và ánh sáng trong nhà là phần 4 của loạt bài Nguyên lý ánh sáng của Richard Harris dành cho mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh,…

 

Ánh sáng nhân tạo và ánh sáng trong nhà

 

Đặc điểm ánh sáng trong nhà khác xa với ánh sáng ngoài trời, mà chủ yếu là do không gian trong nhà không có nguồn sáng chiếu trực tiếp như trong môi trường tự nhiên. Ánh sáng ngoài trời xuất hiện như 1 thứ có sẵn từ trước, còn ánh sáng trong nhà thì được thiết lập theo chủ ý người lắp đặt, nó luôn có 1 mục đích cụ thể. Ví dụ như đèn trang trí để tạo ra sự hấp dẫn, trong khi đèn văn phòng thì chủ yếu chỉ để làm việc nên sẽ bị áp chế về chi phí và hiệu năng, chúng thường có màu hơi xanh tạo cảm giác dễ chịu.

 

anh sang 1

 

Một cảnh trong phim hoạt hình của Tim Burton “The Corpse Bride”. Chú ý ánh sáng mềm màu vàng từ cây đèn treo tạo ra các hoa văn lốm đốm trên tường.

 

Đèn nhân tạo hầu hết có ánh sáng khuếch tán nhờ vào cái chao đèn để bóng đổ bớt bị gắt. Trường hợp cần lượng ánh sáng cường độ mạnh thì các nhà thiết kế bật sáng nhiều đèn cùng lúc để làm mềm bóng đổ và tạo nhiều bóng sáng.

 

Ánh nắng khi chiếu vào trong nhà cũng bị khuếch tán khi bị phản xạ lại giữa các bức tường, sàn nhà và trần nhà. Ánh sáng mặt trời trực tiếp có thể lọt vào nhà qua cửa sổ hoặc giếng trời nhưng do kích thước cửa tương đối nhỏ nên các thành phần nội thất ít bị chiếu sáng trực tiếp mà chỉ đón nhận ánh sáng phản xạ từ bề mặt này hay bề mặt khác mà thôi.

 

Ánh sáng cửa sổ – Window light

 

anh sang 2

 

Ánh sáng cửa sổ là một kiểu ánh sáng trong nhà tự nhiên mà chúng ta thường gặp nhất. Đây là nguồn sáng hiệu quả vì chúng khá dịu mắt, đặc biệt với những ô cửa sổ lớn. Ánh sáng cửa sổ rất hấp dẫn vì chúng rất ăn ảnh. Nếu chỉ từ một cửa sổ thì sẽ cho ra khung cảnh có độ tương phản khá cao mặc dù đây là nguồn ánh sáng mềm, nhưng khi có nhiều cửa sổ thì độ tương phản sẽ giảm đi và không gian tràn ngập nhiều ánh sáng hơn.

 

Màu sắc của ánh sáng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: đầu tiên là vào thời tiết ngoài trời, nếu trời u ám, ánh sáng ban đầu sẽ có màu trắng, xám hoặc xanh. Trong điều kiện trời nắng, ánh sáng sẽ có màu xanh hoặc màu trắng, vàng hoặc đỏ (tùy vào thời điểm trong ngày). Khi ánh sáng lọt qua cửa sổ, nó cũng bị ảnh hưởng từ các bề mặt phản xạ ở trong phòng, và như vậy, sẽ ảnh hưởng đến màu sắc của tường, sàn nhà và các đồ nội thất bên trong.

 

Tất cả các yếu tố trên nói lên 1 điều là nếu muốn mô tả một cách chính xác ánh sáng từ một khung cửa sổ, bạn cần phải tính toán tất cả các giá trị về cường độ, màu sắc, độ tương phản và các phần phản xạ ánh sáng một cách cẩn thận. Trường hợp đơn giản nhất là ánh sáng trắng trong tiết trời u ám chiếu vào một căn phòng trắng từ một cửa sổ lớn, từ mô hình đơn giản này làm cơ sở nghiên cứu cho những trường hợp phức tạp hơn.

 

Một loại ánh sáng cửa sổ rất nổi tiếng được gọi là Ánh sáng phương Bắc (North Light), về cơ bản là ánh sáng được từ một cửa sổ hướng về phía bắc. Trước đây, khi chưa có nguồn sáng nhân tạo nào đáng tin cậy, các studio nghệ thuật luôn chừa 1 cửa sổ hướng về phía bắc để lấy nguồn sáng tương đối ổn định trong suốt 1 ngày. Lý do hiển nhiên là mặt trời luôn ở phía nam (ít nhất là ở bắc bán cầu), vì vậy ánh sáng từ bầu trời chiếu qua của sổ đó chỉ là ánh sáng khuếch tán – là ánh sáng dịu có hướng chiếu không mạnh hay bóng gắt. Chất lượng ánh sáng từ các cửa sổ hướng bắc tương tự như ánh sáng từ một cửa sổ bất kỳ nào mà không bị ánh nắng trực tiếp rọi vào. Cho dù các phòng hướng mặt tiền về phía bắc hay bị tối do thiếu ánh sáng mặt trời, nhưng lại cho được 1 không gian dịu mắt dễ chịu.

 

anh sang 3

 

Căn phòng trên dù có ánh nắng trực tiếp nhưng chỉ bị ảnh hưởng lên 1 khu vực tương đối nhỏ, nên hầu hết ánh sáng trên tường và đồ nội thất đều là ánh sáng phản xạ và khuếch tán. Chú ý các bức tường ở xa bị ám đỏ có thể là do phản chiếu từ các tấm rèm cửa. Cũng lưu ý là ánh nắng tạo ra độ tương phản cao làm các khu vực nổi bật rất sáng.

 

anh sang 4

 

Đây là minh họa về kiểu ánh sáng cửa sổ êm dịu. Bức ảnh được chụp trong điều kiện thời tiết u ám và cửa sổ đóng vai trò như một softbox khổng lồ cho bức ảnh chân dung này. Chủ thể càng gần cửa sổ, ánh sáng càng mềm. Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của ánh sáng dịu thì xem thêm trong phần 5, nhưng bây giờ hãy chú ý đến ranh giới nhoè mờ giữa mảng sáng và mảng tối lên chủ thể.

 

anh sang 5

 

Ánh sáng dịu nhẹ từ một cửa sổ lớn đã được các nghệ sĩ sử dụng trong nhiều thế kỷ (và hiện tại vẫn còn được các nhiếp ảnh gia sử dụng) bởi vì nó đẹp, dễ tính toán và luôn luôn có sẵn.

 

Ánh sáng đèn dây tóc trong nhà – Household tungsten lighting

 

anh sang 6

 

Đây nguồn sáng dùng trong nhà phổ biến nhất mà trước đây chúng ta thường hay gặp mỗi ngày. Chúng có nhiều dạng khác nhau từ bóng đèn đường chiếu từ trên cao đến các đèn trang trí chiếu từ mặt bên nhưng đều có chung 1 đặc điểm là bóng đèn sợi đốt.

 

Đèn vonfram cho ánh sáng màu vàng cam mạnh mẽ như đã đề cập ở phần 1. Chúng ta sử dụng bóng đèn này là do chúng dễ sản xuất vào thời đó, và bộ não chúng ta đã phải lọc màu cam trên tờ giấy ra để có thể cảm nhận nó như là màu trắng do quen mắt. Nói chung là, nếu chụp ảnh, vẽ hoặc tô màu dưới ánh đèn tungsten thì nên chuyển qua sử dụng ánh sáng trắng để hình vẽ trông thực hơn vì bộ não của chúng ta sẽ bị lệch lạc khi dùng màu cam làm màu chuẩn để quy ra các màu khác.

 

Dù vậy cho dù chất lượng ánh sáng tungsten rất đa dạng và khó dự đoán, nhưng từ đây chúng ta sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau đến lĩnh vực ánh sáng nội thất. Trong các gia đình bình thường hầu hết đèn được khuếch tán bằng các chao đèn để làm mềm ánh sáng và tăng không gian chiếu sáng.

 

Ánh sáng trung bình trong nhà sẽ thay đổi từ phòng này sang phòng khác vì vậy yếu tố không gian sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ánh sáng. Ở mức độ cơ bản nhất, một nhà kho chứa đồ hay nhà để xe chỉ cần có 1 bóng đèn treo duy nhất cung cấp một lượng ánh sáng tối thiểu cho toàn bộ căn phòng. Điều này được chấp nhận vì ít có ai ở lâu trong những nơi đó và như thế người ta sẽ ưu tiên chức năng hơn là yếu tố thẩm mỹ. (miễn là đủ sáng là được, không cần đẹp hay rực rỡ)

 

Trong những phòng mà thời gian sinh hoạt thường xuyên thì chất lượng ánh sáng là quan trọng, vì những nơi đó cần có một khung cảnh dễ chịu và thoải mái, và đó là nơi mà bạn cần một kế hoạch chiếu sáng cầu kỳ và hấp dẫn hơn. Ví dụ, trong phòng khách (có thể là trung tâm của ngôi nhà), bạn có thể thiết lập một số bóng đèn để tạo ra một khung cảnh sáng sủa dễ chịu.

 

Ánh sáng cũng đóng vai trò quan trọng trong các khu vực khác trong nhà, ví dụ như đèn trong phòng ngủ dành việc đọc sách trên giường hoặc thức dậy trong đêm khuya. Trong nhà bếp, bạn có thể tìm thấy đèn chiếu sáng khu vực nấu ăn hoặc lên mặt bàn làm việc. Tủ và gương trong phòng tắm cũng cần có đèn chuyên dụng cho những nhu cầu cụ thể.

 

Ngoài những tình huống cơ bản nhất, hầu hết các đèn gia dụng luôn có sự kết hợp giữa chức năng và chất lượng ánh sáng. Phụ kiện phổ biến nhất của đèn gia dụng là chao đèn (lampshade), chúng có nhiều hình dạng nhưng đều được thiết kế để làm dịu ánh sáng ở một mức độ nào đó. Một chao đèn sẽ che bớt độ sáng chói và làm mềm những bóng gắt ánh sáng của bóng đèn trần.

 

Yếu tố quan trọng tiếp theo là các khung cảnh nội thất hầu hết không chỉ có 1 mà được trang bị nhiều nguồn sáng, điều này sẽ làm các mảng bóng đổ dịu hơn. Nguồn sáng từ nhiều phòng sẽ tràn vào các không gian lân cận và như vậy khung cảnh trong 1 phòng sẽ có nhiều hơn một nguồn chiếu sáng bên trong nó. Ví dụ dễ thấy nhất là phòng khách có 4, 5 nguồn sáng trang trí khác nhau để làm mặt hồ lung linh hơn hoặc các dãy đèn lõm trên trần nhà chiếu xuống bàn ăn trong 1 gian bếp hiện đại.

 

Sử dụng nhiều đèn sẽ tạo ra một khung cảnh ánh sáng không đồng đều làm xuất hiện nhiều bóng đổ có độ cứng và độ mềm khác nhau một cách thú vị. Một kết quả khác cũng rất rõ ràng là các bề mặt phản chiếu sẽ có nhiều mảng bóng sáng trong trường hợp có nhiều nguồn sáng khác nhau. Màu sắc và cường độ các đèn có thể cũng khác nhau một cách tinh tế vì bóng đèn càng xài lâu sẽ càng mờ và đỏ hơn.

 

Điều cuối cùng mà bạn cần cân nhắc là còn thiết bị nào khác có thể phát ra ánh sáng, như màn hình máy tính, ti vi, hoặc khó thấy hơn như lò vi sóng, bếp điện cũng có thể ảnh hưởng đến ánh sáng trong căn phòng.

 

Lời khuyên duy nhất mà tôi có thể đưa ra đây là bạn hãy nghiên cứu từ khung cảnh nội thất của chính mình, vì chủ đề này nằm trong giới hạn trí tưởng tượng của bạn và tất nhiên là những biến thể của nó là vô tận.

 

anh sang 7

 

Đây là một khung cảnh nội thất điển hình sử dụng nhiều nguồn sáng để tạo không khí ấm cúng, chú ý các phương pháp sử dụng chao đèn làm dịu ánh sáng và phản chiếu ánh sáng ra khỏi tường. Kết quả của việc sử dụng nhiều nguồn sáng khuếch tán là để triệt tiêu độ gắt của bóng đổ. Tôi đã cân bằng trắng ảnh này để giảm màu cam vì màu của đèn vonfram trông không thật, nhưng độ chuyển của màu cam trong ảnh dễ  cảm nhận được.

 

Nhà hàng, cửa hàng, và các nội thất thiết kế thương mại khác - Restaurants, shops and other commercially designed interiors

 

anh sang 8

Giống như trường hợp đèn bình thường trong nhà, ánh sáng loại này cũng rất đa dạng và chủ yếu được sử dụng để tạo cảm giác và hướng nhìn của mắt. Trong nhiều trường hợp ánh sáng này được thiết kế kỹ lưỡng để tạo ra hiệu quả mong muốn và do đó nó cần được nghiên cứu cẩn thận để tái tạo những gì mà các nhà thiết kế nhắm tới.

 

Nhìn chung các nhà hàng có một số lượng đèn ở vị trí thấp, ánh sáng êm dịu để tạo không khí ấm cúng. Cũng có thể phối hợp nhiều loại nguồn sáng khác nhau từ đèn spotlights để tách những bông hoa trong chậu đến những ngọn nến trên bàn ở gần bên chúng. Tất nhiên là không có 2 nhà hàng nào giống hệt nhau vì vậy hãy cứ mong đợi một sự đa dạng tuyệt vời về  ý tưởng từ nơi này đến nơi khác. Việc quan sát ánh sáng nhà hàng một cách kỹ lưỡng là phương pháp tốt nhất để tìm hiểu cách mà ánh sáng tạo ra không khí và cảm xúc.

 

Một chi tiết quan trọng cần lưu ý trong lúc tái tạo không khí ánh sáng mà bạn có thể tìm thấy trong nhà hàng hoặc quầy bar là một lượng lớn đèn được sử dụng phối hợp để tạo ra hiệu ứng nhiều mảng sáng phản chiếu lấp lánh – chúng xuất hiện trên các bề mặt liên quan nhau từ các mặt cong và mặt phẳng chiếu thẳng đến mắt người. Giống như ánh sáng trong nhà với nhiều nguồn sáng khác nhau về màu sắc và cường độ, tạo ra những quầng sáng cắt ngang căn phòng.

 

Các cửa hàng cũng có nhu cầu ánh sáng khác nhau, dù cho chi phí đèn để tạo không khí vẫn quan trọng nhưng để nhìn rõ sản phẩm trưng bày có thể là tiêu chí chính. Hầu hết các gian hàng chính sẽ được chiếu sáng rực rỡ với nhiều dải đèn để tạo ra một khung cảnh rõ ràng sáng sủa và có thể có thêm đèn phụ để làm các quầy hàng trưng bày nổi bậc. Như mọi khi nếu bạn cố gắng tái tạo một môi trường cụ thể thì bạn cần cân nhắc những yêu cầu về địa điểm trước khi thiết lập phần ánh sáng.

 

Điều rõ ràng như đã đề cập ở trên mà không phải nhắc lại là chủ đề này rất mênh mông và đa dạng, và có quá nhiều biến thể hơn những gì mà tôi từng hy vọng để có thể gói gọn trong 1 bài viết về phạm vi này. Điều tốt nhất để làm là hãy thực hiện theo quan sát của riêng bạn, và có thể chụp lại một số trường hợp thiết lập ánh sáng khác nhau dành để tham khảo sau này.

 

anh sang 9

 

Đây là một nhà hàng khá tiêu biểu (đầy màu sắc) sử dụng vô số đèn để tạo không khí. Các đồ vật thú vị và màu sắc ở khắp nơi sẽ tạo nhiều cảm hứng đi vào không gian vui vẻ này.

 

anh sang 10

 

Đây là một cái nhìn gần hơn, chú ý số lượng lớn các điểm sáng trong những cái ly thuỷ tinh, chúng là kết quả phản chiếu từ nhiều đèn khác nhau.

 

anh sang 11

 

Trong 1 trung tâm mua sắm điển hình với ánh sáng rực rỡ, tôi đã tô màu đúng của ảnh nhưng tông màu hơi xanh lục từ ánh sáng vẫn có thể nhìn thấy. Chú ý những chiếc ghế có nhiều bóng đổ là do được chiếu sáng từ nhiều đèn từ nhiều hướng khác nhau .

 

Ánh đèn Neon – Fluorescent lighting

 

anh sang 12

 

Đèn huỳnh quang được sử dụng trong các trường hợp mà chi phí là yếu tố quan trọng, nhiệt độ màu của chúng thường có màu xanh lục và cho dù cho bộ não của chúng ta có thể tự cân bằng trắng, thì cũng cảm nhận chất lượng ánh sáng này khá là tệ. Loại ánh sáng này thường tìm thấy trong các văn phòng, nhà ga, các tòa nhà công cộng và bất cứ nơi nào cần được thắp sáng với chi phí giá rẻ.

 

Đèn huỳnh quang thường dùng trong các khu vực tương đối lớn với nhiều đèn riêng lẻ, có nghĩa là sẽ có các bóng chồng chéo phức tạp và nhiều điểm sáng hình chữ nhật. Mật độ đèn sẽ quyết định độ sáng của ánh sáng khung cảnh: Cửa hàng cần nhiều đèn để tạo môi trường sáng và ngược lại những nơi có không gian rộng như bãi đỗ xe sẽ có ít đèn hơn và do đó chúng thường tối hơn.

 

anh sang 13

 

Bức ảnh này đẫ được chụp ở chế độ phim cân bằng ánh sáng ban ngày dưới dải đèn huỳnh quang, bạn có thể thấy các dải ánh sáng màu xanh lá cây từ các đèn này chiếu rất rõ lên mặt nền.

 

Ánh sáng phối hợp – Mixed lighting

 

anh sang 14

 

Ánh sáng trong nhà và luôn cả ánh sáng ngoài trời thường có hiện tượng pha trộn giữa ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo, đặc biệt khi vào lúc trời vừa sụp tối hoặc vào ban đêm. Điều này dẫn đến một sự phối hợp thú vị về màu sắc và cường độ sáng, đặc biệt là trường hợp trộn lẫn ánh sáng tự nhiên và đèn tungsten cho ra 1 hỗn hợp màu tuyệt đẹp của xanh dương và màu cam

 

Bất kỳ đối tượng nào ở gần cửa sổ buông rèm vào buổi chiều hoặc tối sẽ có vài mảng màu pha trộn giữa ánh sáng tự nhiên và nhân tạo lên nó. Kiểu pha trộn này tất nhiên cũng rất thường thấy ở ngoài trời, ví dụ những đồ vật dưới ánh đèn đường cũng có 1 lượng ánh sáng tự nhiên lên nó. Đèn trên các cao ốc cũng tạo ra màu sắc thú vị từ sự tương phản ấn tượng với ánh sáng tự nhiên của bầu trời.

 

Bản thân tôi thấy ánh sáng hỗn hợp rất có không khí và cảm hứng, và tôi thường sử dụng nó trong công việc của mình vì mức độ hấp dẫn thị giác mà nó mang lại.

 

anh sang 15

 

anh sang 16

 

2 ví dụ trên từ các tác phẩm cá nhân của tác giả để trình bày hiệu ứng pha trộn tạo không khí và những cách phối màu thú vị.

 

anh sang 17

 

Tấm ảnh này cho chúng ta thấy màu sắc đường phố hấp dẫn như thế nào, với thiết kế mảng ánh sáng vàng ấm hắc lên toà nhà quốc hội có lẽ để tôn lên màu sắc tự nhiên của buổi chiều thành phố ven sông.

 

anh sang 18

 

Với hình này thì sự pha trộn màu sắc trông như 1 khung cảnh giả tưởng, với màu xanh lục của đèn fluorescent trong các cửa sổ trộn với ánh sáng tungsten và ánh sáng ngoài trời.

 

anh sang 19

 

Một ví dụ cụ thể hơn cho thấy những gì xảy ra khi ánh sáng pha trộn từ cả bên trong và bên ngoài ở những khu vực gần cửa sổ.

 

Ánh lửa và ánh nến – Firelight and candlelight

 

anh sang 20

 

Ánh sáng từ ngọn lửa thậm chí còn đỏ hơn ánh sáng của đèn dây tóc, thực ra nhiệt độ màu của nó thấp đến mức mà bộ não chúng ta không thể cân bằng trắng mà phải cho ra 1 cảm nhận là màu cam hoặc đỏ.

 

Một thực tế quan trọng khác cần lưu ý là các loại nguồn sáng này thường được đặt thấp hơn nhiều so với đèn dây tóc: lửa thường cháy từ mặt đất và nến thường ở trên mặt bàn hoặc trên các đồ nội thất khác, trong khi bóng đèn thường được chiếu sáng từ trên cao. Điều này sẽ có tác động rõ ràng đến mọi thứ, từ cách ánh sáng chiếu lên các bề mặt khác nhau đến hướng đổ bóng và cả cách làm cho các vị trí nổi bật. Lưu ý cuối cùng là ánh sáng tử lửa và ánh nến thường xuyên chuyển động nhấp nháy.

 

anh sang 21

 

Ánh sáng từ đèn cầy rất đỏ, ảnh này tôi đã giảm nhiệt độ màu để trông được tự nhiên hơn. Bộ não con người có thể bù đắp màu rất mạnh nên ta cảm giác ánh sáng trở nên ấm áp

 

Ánh đèn đường – Street lighting

 

anh sang 22

 

Ánh đèn đường có màu cam đậm (ít nhất là đèn đường ở nước Anh, nơi tôi đang sống), và chúng có phổ màu rất hẹp không cho phép hiển thị bất kỳ màu nào khác. Điều này có nghĩa là mọi thứ dưới ánh sáng đèn đường trở thành 1 màu cam đơn sắc.

 

Các đối tượng ở giữa 2 ngọn đèn sẽ có nhiều bóng đổ. Một điều khác cũng rất dễ nhận ra là các quầng sáng bên dưới chúng thường khá nhỏ và mờ đi rất nhanh trong vùng tối, làm cho cảnh vật trở nên tương phản cao vào ban đêm.

 

anh sang 23

 

Bạn có thể thấy phạm vi màu sắc hẹp như thế nào dưới ngọn đèn đường, tất cả mọi thứ kể cả thảm cỏ xanh cũng chuyển thành màu cam. Nhiều bóng đổ xuất hiện theo nhiều hướng khác nhau từ nhiều ngọn đèn đường tạo độ tương phản rất cao mà không còn ánh sáng nào khác tồn tại. Bầu trời sau các cành cây cũng bị nhiễm màu cam từ các ngọn đèn đường London.

 

Ánh sáng trong nhiếp ảnh – Photographic light

 

anh sang 24

 

Để tìm 1 bài giải thích đầy đủ về ánh sáng nhiếp ảnh thì nó vượt quá phạm vi của bài viết này, nhưng tôi sẽ cố gắng đề cập 1 cách ngắn gọn, nhằm để bạn đọc tham khảo cách sử dụng đúng loại ánh sáng này mà thôi. Tất nhiên có nhiều loại ánh sáng được sử dụng trong nhiếp ảnh, nhưng phổ biến nhất là ánh sáng mềm khuếch tán từ đèn flash trong chụp ảnh chân dung và chụp sản phẩm mẫu.

 

Loại ánh sáng này rất dễ nhận ra do chúng thường không có bóng đổ, vì vậy sử dụng loại ánh sáng này, bạn cần tính toán và điều chỉnh nó cho phù hợp với nhu cầu.

 

anh sang 25

 

Ánh sáng mềm không có bóng đổ và mảng bóng sáng rộng này là nét đặc trưng của ảnh chụp chân dung và ảnh chụp sản phẩm hiện đại, đặc biệt dùng trong quảng cáo. Nó được chiếu sáng bằng nguồn sáng khuếch tán rộng từ việc sử dụng các softbox rất lớn.

 

Các loại ánh sáng và những trường hợp đặc biệt khác

 

Hy vọng rằng tôi đã sơ lượt hầu hết các loại ánh sáng phổ biến xảy ra trong nhà. Tuy nhiên, tôi thực sự không có ý định viết 1 quyển cẩm nang cho mọi trường hợp mà chỉ khuyến khích bạn đọc có một quá trình quan sát và tìm hiểu mà thôi. Trong cuộc sống chúng ta rất dễ có ánh sáng mà quên để ý xem cách nó hoạt động như thế nào cho dù nó hiện diện mỗi ngày xung quanh ta. Trong một quá trình nghiên cứu, có vẻ như xác định và chinh phục bước đi đầu tiên là điều khó khăn nhất, sau khi vược qua bước quan trọng này thì đoạn đường tiếp theo sẽ trở nên dễ dàng hơn.

 

Vì vậy, hy vọng với kiến ​​thức này, bạn có thể suy ra được cách hoạt động của ánh sáng trong những tình huống mà chưa được giải thích cụ thể trong bài viết này. Ví dụ như bạn có thể hình dung ra ánh sáng trong lòng nước, chiếu lên một rạn san hô nhiệt đới sẽ phải ra sao? Trong lòng nước ánh sáng chiếu từ đâu? khi vào môi trường nước chúng sẽ phản ứng như thế nào? ánh sáng phối hợp sẽ có màu gì? xảy ra bao nhiêu lần phản xạ? những điều gì liên quan đến quá trình khuếch tán, các mảng sáng, hướng bóng đổ…

 

Tôi thực sự hy vọng rằng bạn đọc có thể sử dụng thông tin ở đây làm bệ phóng cho những quan sát của riêng mình. Trên mạng đầy rẫy các dòng kiến thức lặp đi lặp lại mà không cần suy nghĩ (như vụ ánh sáng 3 điểm là một ví dụ điển hình), và khi bạn phải đọc các dòng giống hệt nhau, thu được quá ít thông tin cho những nghiên cứu đầu tiên về chất lượng ánh sáng, nó sẽ đưa đến một công thức cũ rích lặp đi lặp lại mệt mỏi và kết thúc. Tuy nhiên, khi bạn mở to mắt quan sát thì có thể hình thành nên những ý kiến của riêng bạn tạo thành nền tảng ban đầu. Đây mới thực sự là mục đích của bài viết của tôi.

 

- Theo vietchigo -

Sưu tầm : mythuatms.com

Sản phẩm

Dịch vụ