Vi   En

Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

02432012355

Băn khoăn sau những cánh cửa đã mở

Quay lại

 


Một góc không gian trưng bày triển lãm Mở cửa. Ảnh: An Đông

 Font Size:     |  

Triển lãm Mở cửa với sáng tác của 49 tác giả mỹ thuật được coi là ghi dấu ấn mạnh mẽ trong cả hành trình 30 năm qua của mỹ thuật Việt Nam trở thành sự kiện mỹ thuật lớn nhất năm 2016. Vậy nhưng, những thiếu hụt trong phương diện tổ chức lại khiến cho dấu ấn này có phần kém đậm.

Thiếu các chỉ dẫn kết nối thông tin

30 năm qua, đời sống mỹ thuật trên cả nước đã có nhiều biến đổi lớn, đặc biệt là trong tư duy sáng tạo và quan niệm về vai trò của nghệ thuật đối với chính người sáng tác. Từ những phong trào sáng tác tập thể, mang nặng tư duy hành chính cổ vũ chuyển sang các khuynh hướng tự do bộc lộ “cái tôi” cá nhân mạnh mẽ, đồng cảm với “cái tôi” xã hội và biểu hiện nhiều dự cảm về tương lai xã hội. Mỹ thuật Việt Nam mang một diện mạo mới, đa dạng và phong phú hơn bao giờ hết các ngôn ngữ, bút pháp, chất liệu thể hiện. Nhiều họa sĩ đã khởi đầu hành trình mở rộng không gian của một tác phẩm mỹ thuật từ hội giá vẽ đến nghệ thuật đương đại đa chiều không gian hơn, như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật video (video art).

Từ những đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật ban đầu, không ít họa sĩ được thị trường mỹ thuật bên ngoài Việt Nam đón nhận và từ đây, một sự phân hóa mạnh mẽ cũng đã diễn ra, dẫn đến tình trạng hoặc chạy theo thị trường, sản xuất tranh hàng loạt, hoặc kiên định với hành trình sáng tạo của mình. Tình trạng đóng băng và mất giá tranh trong thị trường của hội họa Việt Nam, kéo dài từ khoảng giữa thập niên đầu thế kỷ 21 cho đến nay, gần nửa chặng đường của Đổi mới, đã cho thấy mặt trái, nhiều mảng tối của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ này, trong đó nhiều họa sĩ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân.

Những đặc điểm trên của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới đã được thể hiện phần nào rõ ràng qua các sáng tác hiện trưng bày ở triển lãm Mở cửa. Đây là điều hết sức thú vị của triển lãm, cho thấy nỗ lực lớn của nhà tổ chức trong việc mạnh dạn đưa ra tổng kết ban đầu bằng tác phẩm những điểm mạnh và hạn chế của mỹ thuật trong giai đoạn giao thời quan trọng này.

Tuy nhiên, có lẽ chỉ có người trong giới và một bộ phận rất nhỏ công chúng thật sự quan tâm đến đời sống mỹ thuật đất nước hàng chục năm qua mới có thể tự nhận ra được sự thú vị và mạnh dạn nói trên. Nhìn ở góc độ xã hội, triển lãm thiếu một hệ thống thông tin cơ bản song hành, trong đó thể hiện rõ quan điểm và nhận định của nhà tổ chức, đội ngũ giám tuyển về cả thời kỳ mỹ thuật này, về riêng sự kiện này, về từng tác giả được lựa chọn. Được biết, bên cạnh triển lãm hiện đang diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Ban tổ chức có xây dựng trang tin trên mạng xã hội facebook, thường xuyên cập nhật thông tin về sự kiện và ý kiến của một số nghệ sĩ tham gia triển lãm. Cuốn sách gồm “một số bài viết, hình ảnh giới thiệu về mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới, sách in chân dung tác giả, lý lịch tóm tắt, tự bạch, in ba tác phẩm của nghệ sĩ, giới thiệu về các hoạt động đã diễn ra ở triển lãm Mở cửa” sẽ được phát hành sau thời gian triển lãm. Có lẽ, nếu công chúng có điều kiện mua sách, xem mạng xã hội và biết cách thức kết nối các hợp phần trong toàn bộ sự kiện này thì họ sẽ có được nhận thức đầy đủ hơn về hành trình 30 năm của mỹ thuật Đổi mới. Tuy nhiên, đây chỉ là suy luận của riêng người viết chứ không phải là chỉ dẫn kết nối thông tin chính thức từ Ban tổ chức.

Những sự cố đáng tiếc

Quan điểm của Ban tổ chức là mời các nghệ sĩ tự chọn sáng tác của mình cho sự kiện triển lãm cũng như hình ảnh tác phẩm khác để in sách. Đây được xem là một sự tôn trọng tối đa dành cho nghệ sĩ. Điều này lại dẫn đến một hệ quả là 48/49 tác phẩm được sáng tác trong 16 năm trở lại đây (từ 2000 đến 2016), trong đó có 24/49 tác phẩm được sáng tác trong năm 2016; 1/49 tác phẩm sáng tác trước năm 2000 (của cố họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm, vẽ năm 1995).

Thực tế, giai đoạn đầu của mỹ thuật Đổi mới (1986 - 2000) và kể cả trước 1986 chính là khoảng thời gian chứa đựng sự thay đổi, trưởng thành vượt bậc, xuất hiện các sáng tác khởi tạo dấu ấn cá nhân của nhiều họa sĩ, nghệ sĩ đương đại có tên trong triển lãm. Tiếc là điều này, công chúng hôm nay lại không có cơ hội được thưởng thức hoặc trải nghiệm. Bên cạnh đó, việc để nghệ sĩ tự chọn tác phẩm còn dẫn đến hệ quả là do kích thước của nhiều tác phẩm rất lớn, hình thức của nhiều tác phẩm lại kén chọn không gian trưng bày, trong khi điều kiện thực tế tại khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật rất khó đáp ứng. Do vậy, một số sáng tác điêu khắc của Phan Phương Đông, Đào Châu Hải, Nguyễn Ngọc Lâm, Lê Lạng Lương, mộc bản của Lý Trần Quỳnh Giang, sắp đặt của Vũ Dân Tân, tranh của Trần Việt Phú… đã phần nào bị giảm hiệu quả thẩm mỹ do không có được không gian tương ứng.

Việc đề nghị một họa sĩ thay đổi tác phẩm trong ngày gần kề buổi khai mạc sự kiện cũng đã dẫn đến những hiểu lầm, mâu thuẫn khó hóa giải, đẩy cá nhân họa sĩ vào thế bị động, khiến cho việc thiếu sáng tác của họa sĩ này trong triển lãm cũng lại là một sự cố đáng tiếc.

Phải thẳng thắn mà nói rằng, dù ở điểm nhìn nào, mỹ thuật Việt Nam vẫn đóng vai trò tiên phong trong việc đổi mới nhận thức về sáng tạo nghệ thuật cũng như vai trò xã hội của nghệ thuật, ở tất cả các giai đoạn bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam hiện đại, kể từ khi có Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925. Ban tổ chức triển lãm Mở cửa - Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới đã thật sự nỗ lực để hướng đến một mô hình giới thiệu triển lãm mới, chuyên nghiệp, công tâm và minh bạch hơn. Nhưng một số điều đáng tiếc trong sự kiện này cho thấy, còn rất nhiều việc cần phải làm để trong tương lai, sẽ có được những sự kiện mỹ thuật chuyên nghiệp, xứng đáng với đẳng cấp và vị thế của một sự kiện quốc gia, xứng đáng với vai trò và đóng góp của mỹ thuật cho xã hội.

Theo:Phong Vân

Nguồn: Báo nhân dân

 

Sản phẩm

Dịch vụ