Vi   En

Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

02432012355

BỨC TRANH "DẠ KHÚC" CỦA TẠ TỴ

Quay lại

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TẠ TỴ - Dạ khúc. 1953. Bột màu. 49x59cm. Sưu tập của ông Nguyễn Mạnh Phúc, Hà Nội

Chất liệu: Bột màu trên giấy

Kích thước: 49x59cm

Chữ ký (góc dưới bên phải): Tạ Tỵ, với dòng chữ “Tặng Phổ, Hà Nội cuối đông 2-2-1953”

Sưu tập: Ông Nguyễn Mạnh Phúc, Hà Nội

 

Sẽ không chính xác nếu coi Tạ Tỵ là họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ theo phong cách “Lập thể”. Trước ông nhiều năm, Lập thể đã được một số họa sĩ Việt Nam thử nghiệm.

Nhưng, quả thực, nếu nói về Lập thể - thì họa sĩ Việt Nam đầu tiên có đặc tính nhất trong phong cách này hẳn không ai khác ngoài Tạ Tỵ.

Tạ Tỵ cũng là một tài năng trong nghệ thuật vẽ biếm họa, đặc biệt biếm họa chân dung. Ông còn được biết đến như một nhà lý luận của nghệ thuật.

Trong một tiểu luận nhan đề “Vấn đề Hội họa” (khoảng 1950-1953), câu mở đầu Tạ Tỵ viết: “Chúng ta, những họa sĩ chân chính đều nhận rằng Hội họa không phải là làm đẹp lại cái gì hiển nhiên sẵn có. Hội họa phải vượt lên sự thật một chút và đặt cho nó một linh hồn”.

Sau một thời kỳ mà ông gọi là “cổ điển”, Tạ Tỵ bắt đầu nghiên cứu nghệ thuật hiện đại. Thời kỳ Lập thể của ông đã kéo dài khoảng 10 năm (từ cuối thập niên 1940 đến cuối thập niên 1950).

Năm 1951, một cuộc triển lãm cá nhân của Tạ Tỵ đã được tổ chức tại Hà Nội (thời kỳ tạm chiếm). Tại cuộc triển lãm này, tranh sơn mài Lập thể của ông, với chủ đề chính: “các hình thiếu nữ khỏa thân trên chiếu bạc” - đã gây được tiếng vang lớn trong công chúng đương thời.

Ngoài sơn mài, Tạ Tỵ còn vẽ Lập thể bằng nhiều chất liệu khác như sơn dầu, bột màu, chì than... Bức tranh bột màu “Dạ khúc” giới thiệu ở đây - cũng đã được ông vẽ trong thời kỳ Lập thể đó.

... Phong cách Lập thể trong hội họa có hai hình thái: Lập thể phân tích và Lập thể tổng hợp, các đại diện nổi bật nhất là Picasso, Braque và Gris.

Là một người Việt Nam - Á Đông, Tạ Tỵ có xu hướng tự nhiên ngả về Lập thể tổng hợp, ít duy lý hơn và trữ tình hơn, nếu so với Lập thể phân tích.

Trong tranh Lập thể của Tạ Tỵ, ngoài sự phân dạng đối tượng thành các hình tam giác, hình chữ nhật, hình thang, hình tròn, hình bán tròn, như thường thấy, ông còn có sở thích sử dụng các hình vuông, hoặc hình thoi ở thế nghiêng, trên nguyên tắc khu biệt chúng như bàn cờ, với hai màu đen trắng, để tạo nên các mảng trang trí rung rinh và có nghĩa (đó có thể là những quân bài, sàn nhà, hay phần sáng của một lọ hoa).

Ảnh hưởng của Matisse cũng đã để lại nhiều dấu ấn, qua các mô-típ thực vật, các đường lượn đầy biểu cảm trên tranh Lập thể của Tạ Tỵ, khiến tranh ông có một phong vị Lập thể rất riêng, khó trộn lẫn.

Theo Apollinaire, kể từ Lập thể, hội họa mới thực sự trở thành một nghệ thuật sáng tạo. Nó đã mở ra trước người xem không phải là một thế giới hiện thực được mô phỏng, mà là một thế giới hiện thực của nhận thức.

Tạ Tỵ học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ 1941 đến 1945, môn sơn mài. Vào khi đó, sơn mài đã trở thành một môn học chính thức ngang với hội họa và điêu khắc. Năm 1954, Tạ Tỵ di cư vào Nam. Từ cuối thập niên 1950, tại Sài Gòn, ông chuyển sang vẽ trừu tượng, và có một thời kỳ ngắn vẽ siêu thực. Tạ Tỵ sinh năm 1920 (có tài liệu ghi 1922), có thời gian sống ở Mỹ. Ông mất năm 2004.

Người tên Phổ được Tạ Tỵ ghi tặng trên bức tranh “Dạ khúc” - chính là ông Nguyễn Phổ. Ông Phổ nguyên là một cán bộ lưu dung, con trai của học giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh.

Quang Việt 

nguồn : vietnamfineart

Sản phẩm

Dịch vụ