Vi   En

Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

02432012355

Cách nhìn khác biệt

Quay lại

 

Cách nhìn khác biệt

 

Ngay từ thế kỉ 15, phần lớn họa sĩ đã sử dụng một hệ thống quy tắc, gọi là luật phối cảnh, nhằm tái hiện phong cảnh và con người giống đời thực hoặc trong không gian ba chiều. Nhưng đến cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, một số bắt đầu tìm kiếm những cách nhìn khác biệt – và đạt được nhiều kết quả đáng kinh ngạc.

 

tinh vat 1


Tĩnh vật giỏ trái cây (Still Life with Basket, 1888-90), của họa sĩ
Pháp Paul Cézanne; sơn dầu trên toan, 65 x 81 cm.

 

tinh vat 2


Trái cây (Fruit, 1820) của họa sĩ Mỹ chuyên vẽ tĩnh vật James Peale;
sơn dầu trên toan, 44 x 69 cm

 

Đưa vào phối cảnh

 

Bức Trái cây của James Peale – họa sĩ chuyên vẽ tĩnh vật theo lối rất-tả-thực – tuân thủ chặt chẽ luật phối cảnh. Mỗi đối tượng đều được vẽ tỉ mỉ và chính xác, đúng kích cỡ và hình khối trong tương quan với các đối tượng khác. Mọi thứ được quan sát từ một điểm nhìn duy nhất, như thể ta đứng bất động bên cạnh bàn. Ngược lại, tranh của Paul Cézanne trông thô ráp và méo mó.

 

Những góc nhìn khác biệt

 

Để diễn tả sự vật theo luật phối cảnh, họa sĩ phải vẽ mọi thứ từ một góc nhìn duy nhất. Nhưng Cézanne cho rằng điều đó không thực sự phản ánh cách chúng ta quan sát thế giới. Nói cho cùng, có ai lại ngắm cái bàn hàng giờ, không hề nhúc nhích? Ông muốn tìm một cách mới để mô tả không gian. Vì thế ông bắt đầu vẽ từ nhiều góc độ, kết hợp nhiều điểm nhìn vào một bức tranh.

 

tinh vat 3

 

Cézanne bị ám ảnh bởi kiểu tĩnh vật này, ông vẽ đi vẽ lại các chủ thể. Ông dành hàng giờ sắp đặt bố cục, dùng những chồng tiền xu để dựng chúng lên, nhúng vải vào bột hồ để tạo ra được nếp gấp như ý.

 

Bức Tĩnh vật giỏ trái cây miêu tả một chiếc bình đất nung nhìn từ trên xuống, bên cạnh một ấm trà sứ nhìn từ mặt bên. Cạnh bàn bên trái và bên phải không thẳng hàng, còn chiếc giỏ nằm cân bằng đầy phi lí ở mép bàn. Phối cảnh biến đổi khiến sự vật có vẻ rời rạc – nhưng có lẽ lại gần gũi hơn với cách ta nhìn mọi thứ trong lúc đang dạo quanh phòng?

 

Mảnh và miếng

 

Sau khi Cézanne mất, Paris tưởng niệm ông bằng một triển lãm lớn các tác phẩm của danh họa. Trong số khách thưởng ngoạn có hai họa sĩ trẻ là Pablo Picasso và Georges Braque.

 

Được Cézanne truyền cảm hứng, họ bắt đầu tìm tòi về phối cảnh. Nhưng họ còn đi xa hơn và từ bỏ nỗ lực tạo ra ảo ảnh chính xác về không gian. Thay vào đó, họ phối hợp những miếng và mảnh từ các góc độ hoặc thời điểm khác nhau, phá vỡ bề mặt tranh bằng những khối hình học. Bằng cách này, họ hi vọng nhấn mạnh mâu thuẫn trong việc cố gắng thể hiện một hình ảnh ba chiều trên một phẳng hai chiều (2D). Hướng đi mới này được biết đến với tên gọi trường phái Lập thể.

 

Kiếm tìm dấu vết

 

tinh vat 4


Kèn clarinet và chai rượu rum trên bệ lò sưởi
(Clarinet and Bottle of Rum on a Mantelpiece, 1911)

của Georges Braque; sơn dầu trên toan, 81 x 60 cm.

 

Khoảng 1/3 tranh từ trên xuống dưới, hơi chếch về phải so với chính giữa tranh, bạn có nhận ra chi tiết hình cái ghim? Bóng đổ khiến nó trông như thò ra ngoài bức tranh - một chi tiết ba chiều trớ trêu trong một bức tranh đáng lẽ ra chỉ hai chiều, phẳng lì.

 

Thoạt nhìn, rất khó nhận ra cái gì trong mớ bòng bong hình khối ở trên. Nhưng khi quan sát kĩ hơn, bức tranh chứa đầy chi tiết. Gần trên cùng là một cái chai hình chữ nhật đứng, dán nhãn RHU mờ nhạt – bắt đầu của chữ rhum, từ tiếng Pháp chỉ rượu rum. Phía sau là một cây kèn clarinet, những lỗ bấm trên thân kèn được nhìn từ bên cạnh, nhưng loa kèn lại được nhìn từ trên xuống. Ngoài ra có rất nhiều hình tròn, như thể nốt nhạc, và từ valse, tiếng Pháp chỉ điệu van-xơ, gợi nhắc đến bản nhạc. Dưới cùng, bạn có nhận ra mái vòm lò sưởi hình vuông và một họa tiết trang trí cuộn tròn thường được chạm khắc trên bệ lò sưởi.

 

Việc dính dáp

 

Từ năm 1912, Picasso và Braque đã thực hiện một thứ chưa “họa sĩ” nào từng làm. Họ dán những mảnh giấy và vải vào tranh. Phương pháp này được gọi là collage, bắt nguồn từ chữ coller trong tiếng Pháp, nghĩa là dính. Đây là khởi nguồn của một loại hình nghệ thuật có tên là chắp ghép, khi toàn bộ tác phẩm được “chắp ghép” từ những mảnh chất liệu khác nhau.

 

tinh vat 5
Tĩnh vật ghế mây (Still Life with Chair Caning, 1912)


của Pablo Picasso; sơn dầu và vải dầu trên toan với khung dây thừng, 27 x 35 cm.
Từ trái qua phải, các đồ vật bao gồm: một tờ báo có chữ JOU, một cái tẩu đất nung,
một vại bia và con dao đang cắt một miêng trái cây.

 

Bức Tĩnh vật ghế mây được đóng khung bằng dây thừng, mô tả một cụm đồ vật trên mặt ghế. Các đồ vật được vẽ thành từng mành nhỏ rời rạc, kiểu Lập thể, nhưng phần mặt ghế thực sự là một mảnh vải in họa tiết mây đan. Sự kết hợp hài hòa chất liệu và kĩ thuật xóa nhòa ranh giới giữa những vật thể thật (như mảnh vải) với các hình vẽ, ví dụ như cái cốc. Picasso làm vậy để bắt ta phải đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa nghệ thuật và thực tế.

 

- Đến với Nghệ Thuật - Rosie Dickins -
Vũ Hiển & Phạm Quỳnh Châu dịch

 

Sản phẩm

Dịch vụ