Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
0
Thông tin từ nhà tổ chức:
Nghề thêu thủ công có bề dày phát triển hơn 700 năm ở Việt Nam. Cho đến thời phong kiến, nghề thêu là một trong những nghề phục vụ cho Vua chúa và giới Quý tộc. Sản phẩm thêu được hoàn thành bởi những chất liệu chỉ vải do công sức sáng tạo thủ công của những người nghệ nhân Việt Nam. Thời nay, nghề thêu đã đi vào đời sống thường ngày và phát triển trở thành một phần của nghệ thuật bề mặt vải hiện đại.
Sự kiện 04 “Tơ thanh, sợi óng, chỉ màu” là cuộc nói chuyện giữa nghệ nhân làng thêu Đông Cứu Vũ Giỏi và nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm về nghệ thuật thêu cung đình và nghệ thuật thêu sáng tác hiện đại. Họ, một người nghệ nhân sinh ra trong gia đình có 5 đời làm nghề thêu truyền thống đang dốc hết tâm huyết khôi phục những kỹ thuật thêu cung đình và phục chế hoàng bào cùng một người nghệ sĩ trẻ sử dụng thêu là chất liệu thực hành sáng tác nghệ thuật hiện đại sẽ chia sẻ với người tham dự về con đường riêng của họ trong nghề thêu cùng sự giao thoa tương tác khi người nghệ sĩ và nghệ nhân gặp nhau và cùng đối mặt với hoàn cảnh của nghề thêu trong cuộc sống ngày nay.
Sự kiện 04 sẽ bao gồm:
• Tọa đàm giữa nghệ nhân Vũ Giỏi và nghệ sỹ Phạm Ngọc Trâm
• Trưng bày tác phẩm tiêu biểu của nghệ nhân Vũ Giỏi và nghệ sỹ Phạm Ngọc Trâm
• Trưng bày dụng cụ làm nghề liên quan.
VỀ NGHỆ NHÂN NHÂN DÂN VŨ VĂN GIỎI
Năm sinh: 1969 tại Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội
Sinh ra và lớn lên từ cái nôi của làng nghề thêu truyền thống nổi tiếng của Hà Nội, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi là người duy nhất có thể phục chế được những chiếc áo long bào, hoàng hậu xưa (các bộ trang phục này chỉ khác ngày xưa là chỉ không được làm bằng vàng, còn các họa tiết, hoa văn và cách thêu giống hệt trang phục cung đình xưa).
Với tài năng và rất nhiều cống hiến trong nghề thêu, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen của các bộ, ban ngành trong nước cũng như các tổ chức quốc tế.
Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi cũng đã tham gia nhiều cuộc triển lãm quốc tế như Triển lãm Thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Pháp năm 1999 (tại Mỹ năm 2001, tại Ấn Độ năm 2015), Triển lãm Không gian Văn hóa Việt Nam tại Bỉ năm 2000.
VỀ LÀNG THÊU ĐÔNG CỨU:
Làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, H.Thường Tín (TP.Hà Nội) là một trong ngũ xã chuyên nghề thêu, do ông tổ Lê Công Hành sáng lập. Được biết đến với nghề thêu truyền thống đã qua ba thế kỷ, làng Đông cứu từng nổi tiếng về thêu trang phục cho vua chúa triều đình thời phong kiến. Cùng với sự phát triển của lịch sử, nghề thêu long bào cũng dần mất đi cùng với những triều đại phong kiến. Làng Đông Cứu giờ chuyên cung cấp mặt hàng khăn chầu, áo ngự phục vụ cho lễ hầu đồng hay các đồ trang trí nội thất, lễ hội cho khắp các tỉnh trong nước.
VỀ NGHỆ SỸ PHẠM NGỌC TRÂM
Phạm Ngọc Trâm là một nghệ sĩ thêu độc lập, hiện sống và làm việc tại thành phố Hội An. Chị tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2006. Năm 2014, chị thành lập Meo Meo Atelier – không gian dành cho nghệ thuật thêu tay tại Hội An. Chị đã có nhiều nghiên cứu về nghệ thuật chất liệu và thêu qua các chuyến du lịch tới Pháp, Ấn Độ, Hy Lạp, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Thái Lan, Đông Nam và đang góp phần giới thiệu về nghệ thuật thêu VN qua các workshop tại Việt Nam và nước ngoài.
VỀ DỰ ÁN REIMAGINE THE ARTIST/ARTISAN
Reimagine Artist/Artisan – Tưởng tượng lại vai trò của nghệ sĩ/nghệ nhân là một dự án được thành lập và điều hành bởi một nhóm các nghệ sĩ đa ngành và các nhà nghiên cứu nghệ thuật, những người có nguồn cảm hứng, sự hoài cổ và niềm đam mê với lịch sử, kiến thức, thẩm mỹ và những khả năng của các ngành nghề thủ công nghệ thuật và làng nghề ở Việt Nam.
Ra mắt vào năm 2016, dự án nghiên cứu nghệ thuật này hướng tới mục đích thúc đẩy học tập, đối thoại và hợp tác giữa các nghệ sĩ, nghệ nhân và cộng đồng công chúng rộng lớn hơn để có thể bàn về:
• Các chức năng văn hóa, thẩm mỹ và xã hội của các nghệ sĩ / nghệ nhân trong quá trình sáng tạo và sản xuất
• Các mối quan hệ hiện tại và tương lai cũng như ảnh hưởng chia sẻ giữa các nghệ sĩ và thợ thủ công
• Nội bộ và các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến thẩm mỹ, quá trình sáng tạo và sản xuất của các làng nghề và nghệ nhân
• Chuyển đổi trong cách nhìn và thực hành nghề thủ công
• Hồi sinh và tưởng tượng lại nghề thủ công trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nghệ thuật
• Bảo tồn và các khả năng, sự thụ tinh chéo và đổi mới trong nghệ thuật và hàng thủ công
Dự án bao gồm nghiên cứu nghệ thuật dựa trên sự tham gia; lập bản đồ của các làng nghề ở miền Bắc Việt Nam; một chương trình cư trú địa phương liên kết các nghệ sĩ và thợ thủ công trong các làng nghề; và một loạt các hội thảo và triển lãm công cộng gồm các nghệ nhân nổi bật và tác phẩm nghệ thuật sáng tạo lấy cảm hứng từ thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt.
Dự án được quản lý bởi Six Space có tài trợ tài chính từ Quỹ Hoàng tử Claus “Tương lai là làm bằng tay – Thiết kế Thủ công mỹ nghệ”.
Buổi nói chuyện sẽ sử dụng hoàn toàn tiếng Việt.
Vào cửa tự do.
Six Space Tầng 6, 94B Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội nguồn: hanoigrapevine |