Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
0
Thông tin từ nhà tổ chức:
“Ai về mua vại Hương Canh,
Ai lên mình gửi cho anh với nàng”
Dự án “Reimagine The Artist/Artisan – Tưởng tượng lại về nghệ sĩ/ nghệ nhân” đã đi được một nửa quãng đường và thu được những kết quả tích cực từ Sự kiện 01 và 02. Ở sự kiện thứ ba trong chuỗi các sự kiện của dự án, Six Space tiếp tục muốn gửi tới cộng đồng những người quan tâm đến các làng nghề Việt và nghệ thuật một lát cắt trải nghiệm về nghệ thuật gốm của làng gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc) qua cuộc nói chuyện giữa: nghệ nhân Trần Văn Hải – một trong những nghệ nhân duy nhất còn lại tinh thông kỹ thuật vuốt và nung gốm của làng nghề và nghệ sỹ điêu khắc Thái Nhật Minh. Cuộc nói chuyện đúc kết lại một quá trình nghệ sỹ Thái Nhật Minh tìm đến lưu trú học hỏi kỹ thuật và chất liệu đất sét xanh đặc trưng của Hương Canh tại cơ sở làm gốm của ông Trần Văn Hải để thử nghiệm và thực hành sáng tác điêu khắc; và ngược lại là quá trình người nghệ nhân gắn bó hàng chục năm tuổi nghề quan sát sự biến đổi chất liệu và hình dạng của gốm qua bàn tay người nghệ sỹ.
Một số tác phẩm tiêu biểu của nghệ nhân Trần Văn Hải và nghệ sỹ Thái Nhật Minh sẽ được trưng bày 30 phút trước và trong thời gian buổi nói chuyện diễn ra.
Sự kiện 03 sẽ bao gồm:
Đối thoại giữa Nghệ sỹ & Nghệ nhân
Trình diễn vuốt gốm của Nghệ nhân
Trưng bày dụng cụ, sản phẩm và tác phẩm của Nghệ sỹ & Nghệ nhân (trong suốt sự kiện)
VỀ LÀNG NGHỀ GỐM HƯƠNG CANH
Làng gốm Hương Canh thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là làng gốm cổ sành, có tuổi đời hơn 300 năm và nổi tiếng với những sản phẩm rất dân dã như chum vại, nồi niêu, ấm chén… có độ bền cao, nhằm phục vụ những nhu cầu dân dã thiết yếu. Thời xa xưa, người dân Bắc Bộ vẫn có câu “sứ Móng Cái – vại Hương Canh” để khẳng định thương hiệu của sản phẩm sành vùng đất Hương Canh trù phú. Do cấu tạo chất đất sét xanh, gốm sành Hương Canh nung già gõ tiếng kêu lanh canh như chạm vào kim loại, vừa giữ được nét hoang sơ của nguyên liệu đất sét, lại gân guốc, khỏe khoắn và đầy cá tính, tạo nên nét riêng biệt hấp dẫn. Tuy vậy, sự xuất hiện của đồ nhựa và hàng gốm mỹ thuật đã làm cho gốm sành Hương Canh lâm vào khó khăn. Làng nghề gốm Hương Canh trải qua bao thăng trầm, biến cố, có lúc tưởng chừng như đã đóng cửa. Người làm gốm không còn mặn mà với nghề, từ đó, làng gốm Hương Canh mai một dần.
VỀ NGHỆ NHÂN TRẦN VĂN HẢI
Nghệ nhân Trần Văn Hải, 62 tuổi, hiện đang là chủ cơ sở Hải Ất – một trong bốn cơ sở làm nghề gốm còn lại của nghề gốm Hương Canh, đồng thời là đời thứ tư làm nghề trong họ. Trong số 4 hộ còn làm nghề thì chỉ còn ông Hải biết cách tạo dựng thành thạo một lò đốt thủ công. “Không phải ai làm nghề lâu cũng biết cách quan sát mầu lửa để nắm thời điểm tăng nhiệt độ lò. Hiện ở làng chỉ còn vài ba người có ‘ánh mắt… sành’ như thế” – ông Hải chia sẻ. Qua các giai đoạn thăng trầm của làng nghề, gia đình ông Hải đã có lúc tưởng chừng không thể trụ lại với gốm và sành nhưng ông vẫn kiên định đi theo nghề và đi theo giữ gìn cách làm gốm truyền thống.
VỀ NGHỆ SỸ THÁI NHẬT MINH
Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh sinh năm 1984 tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2009 và lấy bằng thạc sĩ tại đây năm 2012. Hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Thái Nhật Minh có hơn 10 năm hoạt động nghệ thuật. Anh tham gia nhiều triển lãm, trại sáng tác trong và ngoài nước với các chất liệu sáng tác đa dạng từ nhôm đúc, giấy bồi, composite pha màu và hiện tại đang thử nghiệm chất liệu gốm. Các triển lãm tiêu biểu: Chuỗi triển lãm nhóm điêu khắc “New Form” 2012, 2013,2014, “Mùa Sinh Sản”- Không gian nghệ thuật Manzi, 2014, “Chinh Phu- Chinh Phụ” Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 2016,“Những Hạt mầm” – Đông Phong Gallery, 2016. Thái Nhật Minh cũng đạt được rất nhiều giải thưởng nghệ thuật trong đó có: Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2014,Giải Nhì Festival Mỹ thuật trẻ Toàn quốc lần thứ 3 (2011-2014), Giải khuyến khích Triển lãm 10 năm điêu khắc Toàn quốc (2003-2013)…
Xin mời tìm hiểu thêm về nghệ sỹ tại: www.thainhatminh.net
VỀ DỰ ÁN REIMAGINE THE ARTIST/ARTISAN
Reimagine Artist/Artisan – Tưởng tượng lại vai trò của nghệ sĩ/nghệ nhân là một dự án được thành lập và điều hành bởi một nhóm các nghệ sĩ đa ngành và các nhà nghiên cứu nghệ thuật, những người có nguồn cảm hứng, sự hoài cổ và niềm đam mê với lịch sử, kiến thức, thẩm mỹ và những khả năng của các ngành nghề thủ công nghệ thuật và làng nghề ở Việt Nam.
Ra mắt vào năm 2016, dự án nghiên cứu nghệ thuật này hướng tới mục đích thúc đẩy học tập, đối thoại và hợp tác giữa các nghệ sĩ, nghệ nhân và cộng đồng công chúng rộng lớn hơn để có thể bàn về:
• Các chức năng văn hóa, thẩm mỹ và xã hội của các nghệ sĩ / nghệ nhân trong quá trình sáng tạo và sản xuất
• Các mối quan hệ hiện tại và tương lai cũng như ảnh hưởng chia sẻ giữa các nghệ sĩ và thợ thủ công
• Nội bộ và các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến thẩm mỹ, quá trình sáng tạo và sản xuất của các làng nghề và nghệ nhân
• Chuyển đổi trong cách nhìn và thực hành nghề thủ công
• Hồi sinh và tưởng tượng lại nghề thủ công trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nghệ thuật
• Bảo tồn và các khả năng, sự thụ tinh chéo và đổi mới trong nghệ thuật và hàng thủ công
Dự án bao gồm nghiên cứu nghệ thuật dựa trên sự tham gia; lập bản đồ của các làng nghề ở miền Bắc Việt Nam; một chương trình cư trú địa phương liên kết các nghệ sĩ và thợ thủ công trong các làng nghề; và một loạt các hội thảo và triển lãm công cộng gồm các nghệ nhân nổi bật và tác phẩm nghệ thuật sáng tạo lấy cảm hứng từ thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt.
Dự án được quản lý bởi Six Space có tài trợ tài chính từ Quỹ Hoàng tử Claus “Tương lai là làm bằng tay – Thiết kế Thủ công mỹ nghệ”.
Buổi nói chuyện sẽ sử dụng hoàn toàn tiếng Việt.
Vào cửa tự do
Liên hệ theo số 0126.620.3694 (Ms. Linh) để biết thêm chi tiết.
Các bài viết liên quan:
Six Space Tầng 6, 94B Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội Nguồn: hanoigrapevine |