Vi   En

Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

02432012355

Không gian cho sáng tạo nghệ thuật

Quay lại

Ngoài tài năng nghệ thuật, người nghệ sĩ luôn cần có không gian cho công việc sáng tạo của mình. Đó có thể là một ngôi nhà nhỏ giữa một vùng hào phóng nắng gió nhưng vắng lặng tiếng người, hay cả một khoảng không khoáng đạt bên bờ biển, nơi cách biệt với những ồn ào của đời sống thường nhật để niềm say mê sáng tác thỏa sức vẫy vùng. Tất nhiên, không gian là cần thiết, nhưng quan trọng hơn tất cả là chính nghệ sĩ làm được gì, ghi dấu được khoảnh khắc sáng tạo nào trong không gian đó...

SỰ TRÂN TRỌNG DÀNH CHO NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có lần chia sẻ về một kỉ niệm khó quên trong đời sáng tác của mình: Vào năm 2003, ông được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nhà văn giải Nobel Henrich Boll ở Ai-len mời đến sáng tác trong ba tuần tại khu nhà này. Đây là ngôi nhà mà nhà văn Henrich Boll đã dựng lên và sáng tác trong một thời gian dài, nhiều tác phẩm quan trọng đã ra đời tại đó. Sau khi được Henrich Boll trao tặng, hàng năm Ban lãnh đạo khu nhà mời một số nhà văn trên thế giới đến đó nghỉ và sáng tác, mỗi lần họ chỉ mời duy nhất một nhà văn. Ngôi nhà đầy đủ tiện nghi để một nhà văn có thể sống và làm việc với phòng ngủ, phòng khách, phòng vẽ, bếp… Trong nhà có một chiếc xe đạp dùng làm phương tiện đi lại. Đứng từ sân ngôi nhà nhìn ra chỉ thấy những triền đồi liên tiếp và thi thoảng dưới chân đồi xa xa hiện lên một ngôi nhà nhỏ bé. Hình như nơi này chỉ có đồi, những thảo nguyên cỏ bất tận và gió thổi suốt năm tháng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã ở trong ngôi nhà đó một mình hơn một tháng. Suốt từ sáng sớm đến tối, trên vùng đồi ấy chỉ có hai thứ âm thanh: Tiếng gió thổi qua những ngọn đồi và tiếng cừu kêu. Ai không làm thơ mà ở đó thì chỉ sau dăm ngày sẽ trở thành nhà thơ. Vì giữa vùng đồi mênh mông ấy, không có ai ngoài một mình với gió và tiếng cừu kêu buồn bã. Trước cổng ngôi nhà có một tấm biển với dòng chữ: “Nơi đây đang trú ngụ một nghệ sỹ, xin đừng quấy rầy đến sự sáng tạo của họ”. Nhà thơ cho biết thêm: Có lẽ không ở đâu người ta lại yêu các nhà thơ như đất nước này. Sau đêm đọc thơ, ông được một người bạn đưa đi chơi phố. Họ tạt vào một xưởng làm tượng gỗ của một nghệ nhân trên phố và nhìn thấy tờ quảng cáo đêm thơ Nguyễn Quang Thiều treo bên cạnh những thông tin văn hoá khác. Người nghệ nhân kia chỉ cần biết có một nhà thơ từ xa xôi đến đọc thơ ở thành phố của ông thế là ông hãnh diện và quí trọng. Ông nói với Nguyễn Quang Thiều: “Tôi chưa bao giờ đọc thơ anh, hay thế nào, dở thế nào tôi không biết, nhưng tôi tin vào hai chữ nhà thơ. Hai chữ ấy là chứng minh thư quan trọng nhất của tâm hồn anh”.

Trong chương trình Khách mời của chính phủ Mỹ sau khi bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, chuyến thăm chính thức đầu tiên của đoàn nhà văn Việt Nam đến Đại học Iowa gồm có: Tạ Duy Anh, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Mạnh Hảo, Trương Nam Hương, Dương Thuấn, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Quyến. Mời các nhà văn Việt Nam đến đây bởi trường Đại học Iowa có Chương trình viết văn quốc tế (IWP) đã được tổ chức gần nửa thế kỉ qua, mục tiêu là mang đến cho các tác giả lần đầu đặt chân đến nước Mỹ một khoảng thời gian và không gian để viết, đọc, dịch, nghiên cứu, du lịch, trao đổi văn hóa, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh của xứ sở cờ hoa đến với các quốc gia khác trên thế giới. Chương trình viết văn quốc tế quy tụ các nhà văn giỏi đến từ các châu lục. Vào mùa thu hàng năm, có khoảng 25 đến 35 nhà văn các nước tụ hội về thành phố Iowa để cùng nhau triển khai các dự án sáng tác, đọc sách cho nhau nghe và tham gia các khóa học, tham dự diễn đàn và đọc diễn văn giới thiệu về nền văn học nước mình. Đây cũng là một dịp các nhà văn du lịch, khám phá nền văn hóa Mỹ, tương tác với độc giả Mỹ và tham gia các buổi đọc sách cộng đồng. Với bề dày hoạt động đó, năm 2008, thành phố Iowa được UNESCO công nhận là “Thành phố văn học” đầu tiên của Mỹ.

TRẠI CƯ TRÚ NGHỆ THUẬT: THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Nhiều năm qua, các họa sĩ đương đại Việt Nam đã quen thuộc với địa chỉ “Trại cư trú nghệ thuật Haslla” (Hàn Quốc). Không gian nghệ thuật độc đáo này nằm ở tỉnh Gangneung phía Đông Bắc của Nam Hàn, thuộc sở hữu của cặp vợ chồng điêu khắc gia Choi Ok Young và Park Jin Sung. Hai nghệ sĩ đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, tâm huyết để xây dựng một “bãi đáp” nghệ thuật và biến nó thành một trại cư trú nghệ thuật quốc tế uy tín. Cả quần thể dành cho nghệ thuật tạo hình trải dài trên 300 ha đồi núi nhìn ra biển, bao gồm một khách sạn hạng sang, một nhà nghỉ cho nhân viên và nghệ sĩ, nhà hàng, sảnh tiệc cưới, quán bar, một công viên điêu khắc, một bảo tàng để bày tác phẩm, một studio điêu khắc và mặt bằng rộng rãi cho các nghệ sĩ quốc tế trưng bày tác phẩm. Hai nghệ sĩ điêu khắc gia chủ nhà có tình cảm đặc biệt với Việt Nam (có lẽ vì họ đã đến Việt Nam làm việc nhiều lần) nên số lượng nghệ sĩ Việt Nam được mời sang mỗi năm thường nhiều hơn so với các nước: Trung Quốc, Philipin, Thái Lan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Mỹ... Điều đặc biệt của Trại cư trú nghệ thuật Haslla là ban tổ chức không nhận đơn đại trà, các họa sĩ muốn tham dự luôn được đề cử bởi một họa sĩ đã từng dự trại trước đó, điều này có nghĩa là họa sĩ đi trước phải lấy uy tín của mình ra đảm bảo về tay nghề của người kế tiếp mình. Thời gian các nghệ sĩ lưu trú tại Haslla tối đa một tháng, Haslla sẽ lo đủ chỗ cho nghệ sĩ làm việc, cung cấp vật liệu sáng tác: đá khối, gỗ, sắt thép, xi măng, toan, sơn dầu, dầu lanh, acrylic… Kết thúc thời gian dự trại, nghệ sĩ phải để lại một tác phẩm cho Haslla. Cuối mỗi đợt, Haslla sẽ mở triển lãm nhóm cho tất cả các tác phẩm đã được sáng tác, nếu tác phẩm được mua (trong thời gian triển lãm hoặc sau này) thì họa sĩ sẽ được chia lợi nhuận theo quy định của trại.

Với mô hình trại lưu trú sáng tác, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Lương Sơn, Hòa Bình) của họa sĩ Vũ Đức Hiếu cũng là một điểm đến cho các nghệ sĩ đương đại Việt Nam. Các nghệ sĩ được làm việc trong chính không gian sinh sống của người Mường thuộc khuôn viên trưng bày Bảo tàng. Họ sáng tạo tác phẩm nghệ thuật bằng những vật liệu tự nhiên sẵn có (gỗ, đá, đất), hoặc bằng vật liệu tùy chọn theo ý tưởng của nghệ sĩ trong rừng trúc rộng 1,5 ha. Bởi số lượng nghệ sĩ tham gia thuộc nhiều thành phần nên loại hình sáng tác cũng rất đa dạng và ngẫu hứng từ hội họa, điêu khắc đến sắp đặt, nghệ thuật đất đai (land art) tương tác với địa hình đồi núi và cây cỏ. Không gian sáng tác với các tác phẩm sau đó được giữ nguyên vẹn như một Triển lãm nghệ thuật trong nhà và ngoài trời với thời gian một năm. Với những nỗ lực không mệt mỏi nhằm gây dựng một bầu không khí văn hóa truyền thống đậm đặc của văn hóa Mường - một trong những nền văn hóa gốc nằm trọn vẹn trong chiếc nôi văn minh của đất nước Việt Nam, vào tháng 3-2013, Vũ Đức Hiếu đã nhận giải thưởng Phan Châu Trinh trao cho hạng mục “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục”.

Một điểm hẹn cho các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam gần đây nhất chính là không gian nghệ thuật của Flamingo Đại Lải Resort. Khởi động từ năm 2015 với Triển lãm điêu khắc Art In The Forest, 15 tác phẩm của 15 nghệ sĩ trẻ đương đại được trưng bày đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc và những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống. Với mong muốn Flamingo Đại Lải Resort sẽ trở thành nơi lưu giữ và phát triển những tác phẩm nghệ thuật của những tác giả trẻ có tư duy mới lạ, sáng tác những tác phẩm độc đáo, ban tổ chức đã lựa chọn ra những nghệ sĩ với cá tính khác nhau, cùng đưa ra ý tưởng, bàn bạc để đưa ra những phác thảo phù hợp nhất với không gian nghệ thuật nơi đây nhằm mang nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng.

Dự kiến cuối tháng 10/2016, Flamingo Đại Lải Resort sẽ diễn ra sự kiện tuần lễ nghệ thuật với tên gọi: Không gian nghệ thuật Flamingo Đại Lải - Art In The Forest (AITF) 2016. Chương trình Lưu trú nghệ sĩ điêu khắc AITF 2016 diễn ra trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 22/7 đến cuối tháng 10/2016. AITF 2016 đã mời 5 nhà điêu khắc tham gia, trong đó 4 nghệ sĩ trẻ: Nguyễn Ngọc Lâm, Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền, Đàm Đăng Lại và 1 nghệ sĩ danh dự Mukai Katsumi đến từ Nhật Bản.

TRÔNG NGƯỜI, NGẪM TA

Nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đương đại đang được công chúng ngày càng quan tâm và bản thân các nghệ sĩ cũng nỗ lực không ngừng để tạo nên những tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên để tham dự “cuộc chơi” đòi hỏi rất nhiều công sức, tiền bạc và phải có sự hiểu biết đặc thù này, người “chơi” nghệ thuật phải có sự đột phá trong sáng tạo, kiên trì với mục tiêu của mình. Song dường như ở Việt Nam, những điều kiện cần và đủ cho cuộc chơi này chưa thực sự tương xứng, bởi vẫn còn thiếu bề dày kinh nghiệm của người quản lí, tổ chức; thiếu sự can đảm để đầu tư cho một hình thức “kinh doanh mạo hiểm”; thiếu cả lòng kiên nhẫn để vượt qua những thất bại ban đầu. Vì vậy, có lẽ công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục chờ đợi và hi vọng... 

Nguồn Văn nghệ số 39/2016

Sản phẩm

Dịch vụ