Vi   En

Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

02432012355

Nghệ thuật là gì?

Quay lại

 

Nghệ thuật là gì?

 

Văn chương, âm nhạc... tất cả đều là nghệ thuật. Chúng ta sẽ cùng nhau đi sâu vào tìm hiểu nghệ thuật thị giác, tức những tác phẩm tạo ra để nhìn ngắm. Đó có thể là những hình vẽ trên vách hang thời tiền sử, những bức họa đắt giá và cả những tác phẩm sắp đặt gây thắc mắc...

 

Tranh cãi sôi nổi

 

Suốt bao thế kỉ, người ta vẫn bàn cãi về nghệ thuật: đó là cái gì và tại sao lại tuyệt vời đến thế. Các nghệ sĩ và chuyên gia thường có quan điểm khác nhau, dẫn đến tranh cãi nảy lửa, thậm chí là sứt đầu mẻ trán! Họa sĩ người Pháp Manet từng bất đồng ý kiến dữ dội đến mức thách đấu tay đôi với một nhà phê bình. Nhưng có vô vàn câu hỏi gây tranh cãi mà không thể trả lời đúng - sai rõ ràng. Bởi ai cũng có sở thích và đánh giá riêng - hay, dở ra sao đều tùy ở bạn!

 

Có người cho rằng nghệ thuật phải đẹp và tả thực, số khác lại thấy quan trọng là phải chớp lấy khoảnh khắc và thần thái. Như hai bức tranh: một hệt như ảnh chụp; bức kia lại giống tranh phác họa, rất ít màu nhưng đầy sống động.

 

nghe thuat 1

Chải tóc (Combing the Hair, khoảng 1896) của Edgar Degas; sơn dầu trên toan, 114 x 146 cm. Degas dùng tông màu ấm, ngả đỏ để làm cho khung cảnh trở nên gần gũi và thân mật.

 

Bản chất là gì?

 

Có người tin rằng nghệ thuật phải thể hiện tư tưởng. Số khác lại thích cảm nhận nghệ thuật bởi chính vẻ đẹp tự thân của nó. Các nghệ sĩ trường phái Ấn tượng có nhiều tranh luận cực đoan về vấn đề này. Một số cho rằng quan trọng nhất là vẽ lại khung cảnh cuộc sống hiện đại; có người lại chỉ hứng thú khảo sát tác động của ánh sáng lên vạn vật. Đến cả hình ảnh của thị dân cũng gây  tranh cãi, như Georges Seurat đã vô tình khơi ra.

 

nghe thuat 2

 

Quý bà Moitessier (Madame Moitessier, 1856) của Ingres; sơn dầu trên toan, 120 x 92 cm. Tranh tả thực, nhưng Ingres đã “đánh lừa mắt” bằng góc lệch của tấm gương, giúp phản chiếu nét mặt nhìn nghiêng của quý bà Moitessier.

 

Giá trị ở đâu?

 

Mọi người thường bất đồng gay gắt khi xác định giá trị của một tác phẩm. Vincent van Gogh đã chết trong nghèo đói vì không bán được tranh – ngay cả bạn bè cũng nói tác phẩm ông vẽ chẳng khác nào của một gã điên. Giờ đây, các bức họa ấy nằm trong số những tranh đắt nhất thế giới. Một ví dụ khác: nhà phê bình John Ruskin đã từng phải hầu tòa vì chê bai bức Cảnh đêm đen và vàng óng của James Whistler.

 

Ruskin cho rằng bức họa của Whistler vô cùng cẩu thả. Ông không tin nổi Whistler lại đòi 200 đồng vàng cho một thứ “như hắt cả bát sơn vào mặt công chúng”. Whistler đáp rằng: giá trị của tranh không ở chỗ vẽ bao lâu, mà nằm ở tài năng của họa sĩ và bao nhiêu năm miệt mài rèn giữa. Whistler khởi kiện Ruskin vì tội phỉ báng. Whisler thắng kiện và được bồi thường....25 xu. Có vẻ bồi thẩm đoàn cũng ngầm đồng tình với Ruskin.

 

nghe thuat 3

Chi tiết từ bức Ngày Chủ nhật ở La Grande Jatte (A Sunday on La Grande Jatte), của Georges Seurat, đã khiến các nhà phê bình sửng sốt khi vẽ cả một bức tranh lớn, phô diễn vẻ đẹp của thị dân thời đó.

 

Thế mà là nghệ thuật ư?

 

Ngày nay, người ta nhấn mạnh vào việc làm cho nghệ thuật trở nên mới mẻ và độc đáo. Các nghệ sĩ cực đoan liên tục thách thức suy nghĩ của chúng ta về bản chất của nghệ thuật. Và thế là, ngày càng xuất hiện nhiều tranh cãi cùng những tác phẩm cực kỳ khó hiểu.

 

Có lúc, các nghệ sĩ trưng bày cái vành xe đạp đặt trên ghế đẩu; hay bức tranh vẽ tẩu thuốc kèm dòng chữ Đây không phải là cái tẩu; rồi đống gạch, chồng vải vẽ; hay một đống rác thừa sau bữa tiệc (sau đó bị vứt đi do nhầm lẫn!)

 

Chắc các bạn khó thấy những tác phẩm như thế ở các phòng tranh bình thường. Thêm nữa, có phải mọi thứ được trưng bày ở triển lãm đều đáng gọi là nghệ thuật? Bạn thấy đấy, ta có muôn ngàn những băn khoăn, thắc mắc khó tìm được lời giải đáp cuối cùng, mỗi người đều được thôi thúc phải suy nghĩ theo những hướng mới mẻ - phải chăng đây mới chính là tác dụng đích thực của nghệ thuật?

 

nghe thuat 4

 

Cảnh đêm đen và vàng óng – Pháo rơi (Nocturne in Black and Gold – the Falling Rocket, 1875) của James Whistler; sơn dầu trên gỗ, 60 x 47 cm. Vào những năm 1870, tác phẩm đã gây tranh cãi dữ dội. Bức tranh mờ ảo, rất khó nhìn rõ chuyện gì đang xảy ra. Thực ra đó là màn pháo hoa. Thời bấy giờ, mọi người vốn quen với loại tranh trau chuốt kĩ lưỡng. So với tiêu chuẩn đó, bức tranh này trông như một bản phác dang dở.

 

- Đến với Nghệ Thuật - Rosie Dickins -
Vũ Hiển & Phạm Quỳnh Châu dịch

 

Sản phẩm

Dịch vụ