Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
NGUYỄN TƯ NGHIÊM - Trạm gác. 1949. Sơn mài. 21x30cm. Bảo tàng Đức Minh
Sinh thời, Nguyễn Tư Nghiêm có ước vọng được sống tới 200 tuổi. Và sống - để hoàn thiện nốt cái nhìn của riêng ông về con rồng Việt.
Theo Nguyễn Tư Nghiêm, sau 1000 năm Bắc thuộc - thì con rồng Việt chính là biểu tượng cao nhất cho chiến thắng của người Việt về văn hóa tạo hình.
... Nghe nói, gần đây, Nguyễn Tư Nghiêm vẽ hoa sen. Đó hẳn nhiên là dự cảm của ông về chặng đường cuối cùng sẽ đưa ông đến “một chân trời mới”.
Theo giấy chứng minh nhân dân, Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922. Nhưng đúng ra, ông tuổi Mậu Ngọ.
Thọ 98 tuổi (1918-2016), Nguyễn Tư Nghiêm đã sống lâu bằng Chagall (1887-1985), và cùng với Chagall, ông đã trở thành một trong hai họa sĩ bậc thầy có tuổi thọ cao nhất thế giới.
1. Năm 1941, Nguyễn Tư Nghiêm được “vớt” vào Trường Mỹ thuật, nhờ “một cuộc đấu tranh về mỹ học” của Tô Ngọc Vân. Nguyễn Tư Nghiêm bị đánh hỏng ở kỳ thi đầu; ở kỳ thi thứ hai, trường lấy 8 - thì ông đỗ thứ 9.
Thời gian đầu học ở trường, Nguyễn Tư Nghiêm cũng đã từng mấy lần bị “zéro”, khi thì của thầy giáo Pháp (Inguimberty), khi thì của thầy An-Nam (Nam Sơn).
Năm đã gần 90 tuổi, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn vui vẻ khoe: “Riêng Tô Ngọc Vân, hì hì, đã có lần cho tôi tới 9 điểm rưỡi”.
NGUYỄN TƯ NGHIÊM - Phác thảo bài tốt nghiệp. 1946. Bột màu
Từ 1943, thời kỳ Trường Mỹ thuật sơ tán ở Sơn Tây, Nguyễn Tư Nghiêm bắt đầu được chú ý. Ngày ấy, hễ có trò nào vẽ không ra, thầy Tô Ngọc Vân thường bảo: “Lên mà xem Nghiêm vẽ”. Ồ! Một chữ “lên” mới ý nghĩa làm sao.
... Có lần, người ta thấy Nguyễn Tư Nghiêm ngồi bệt trên mặt đất, hai chân khoanh tròn, toan để trước mặt, mắt nhìn thẳng, uy nghi giữa trời như một samurai đang hành lễ để chuẩn bị cho một trận quyết đấu. Hai cánh tay ông được xỏ vào hai tay áo dày được cắt ra từ áo cũ... Và, một vũ điệu sẽ được bắt đầu: Hai bàn tay Nguyễn Tư Nghiêm cầm hai dao vẽ, chúng đua nhau trát sơn lia lịa lên nền vải, và hai tay áo cũ xỏ ở hai cánh tay chính là chỗ để ông chùi dao, từng cú, từng cú một, khi cuồng nhiệt, khi khoan thai... cho đến khi bức tranh được hoàn thành, tuyệt đẹp!
Nguyễn Tư Nghiêm (bên trái) và Phan Kế An. Việt Bắc 1948
Tại Salon Unique 1944, Nguyễn Tư Nghiêm đoạt giải nhất với ba tranh: “Cổng làng Mía” (khắc gỗ), “Cảnh đồng quê” (sơn dầu) và “Người gác Văn miếu Sơn Tây” (sơn dầu).
Theo một người bạn cùng thời với Nguyễn Tư Nghiêm, nếu những bức tranh ấy của ông mà còn - thì thế giới “nhìn vào phải sợ”.
2. Nguyễn Tư Nghiêm tham gia tổng khởi nghĩa ở Nghệ An, quê ông, từng là ủy viên Ủy ban giải phóng huyện Nam Đàn. Ông cũng đã từng tham dự một khóa học về hành chính ở Trung Bộ.
1952-1953, Nguyễn Tư Nghiêm đã được đặc cách công nhận tốt nghiệp “bậc đại học”, và trở thành giảng viên Trường Mỹ thuật Việt Nam, khóa kháng chiến.
Bắt đầu từ các chất liệu sơn dầu, khắc gỗ, và cả sơn khắc “coromandel” (trong những năm 1943-1944), ở Việt Bắc, rất nhanh, ngay 1948, Nguyễn Tư Nghiêm đã đóng vai trò như là người đầu tiên đã tìm ra và áp dụng thành công vào nghiên màu của hội họa sơn mài màu xanh lục.
“Màu xanh lục trong sơn mài - về sau Nguyễn Tư Nghiêm nói - không phải là một phát hiện gì, mà do kháng chiến đòi hỏi. Vì vẽ bộ đội nên nghĩ đến màu xanh”.
Năm 1949, trong khi phê phán các bức tranh sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm vẽ về đề tài kháng chiến, người ta vẫn cứ khăng khăng cho rằng tranh sơn mài không có đầy đủ khả năng để “diễn tả tạo vật” với tư cách của một thể loại hội họa đích thực.
Trong văn bản tường thuật của nhà thơ Xuân Diệu tại cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi (Việt Bắc, chiều ngày 28/9/1949), có một câu rất lạ: “... Thơ ấy bây giờ có nên dùng không? Có nên phổ biến không? Cũng như hôm qua, chúng ta đã bàn về việc nên phổ biến tranh tả thực hay sơn mài? Chúng ta đã kết luận rồi”...
Xem ra, rõ ràng vào thời điểm ấy, tranh sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm mà Tô Ngọc Vân hết mực khen ngợi và cổ vũ - gần như đã bị xếp cùng loại với “thơ không vần”- "đã thất bại" của Nguyễn Đình Thi...
Và đây là câu trả lời của Nguyễn Đình Thi: “Hình thức nghệ thuật phải tự thân nó ra. Khi gạt luật bên ngoài đi, phải có luật bên trong rất mạnh... Nếu nói đúng cái cảm xúc chung quanh hiện thời, thì dẫu trúc trắc, không vần, nghe vẫn lọt”.
NGUYỄN TƯ NGHIÊM - Lao động. 1955. Ký họa chì
NGUYỄN TƯ NGHIÊM - Trẻ em vẽ. 1969. Bột màu
Và bằng một cách khác, đây là câu trả lời của Nguyễn Tư Nghiêm: “Nếu tranh sơn mài chưa đạt được một hình thức chuẩn xác, thì lỗi không phải ở sơn mài- mà là lỗi ở tôi”!
(Về sau, chính cái con người ấy của Nguyễn Tư Nghiêm đã gợi cảm hứng cho Nguyễn Đình Thi xây dựng nên nhân vật “họa sĩ Tư” trong cuốn tiểu thuyết sử thi “Vỡ bờ”).
Tranh sơn mài, trên thực tế - là một trong những vấn đề “nóng” nhất của văn hóa cần phải được giải quyết ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nó cũng đã châm ngòi cho một cuộc “xung đột” dữ dội giữa một bên là Nguyễn Đỗ Cung và một bên là Tô Ngọc Vân và Nguyễn Tư Nghiêm. Nguyễn Đỗ Cung thì cho rằng, vẽ sơn mài là “húc đầu vào tường”. Tô Ngọc Vân và Nguyễn Tư Nghiêm thì thấy ở sơn mài một “đường tiến”...
Vào đoạn cuối của cuộc kháng chiến, chính bậc thầy Tô Ngọc Vân đã phải chỉ tay vào Nguyễn Tư Nghiêm, để nói: “Người này hơn tôi!”...
3. Năm 1957, Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác tranh sơn mài “Con nghé quả thực”. Và kể từ đó đến nay, nó vẫn được coi là một trong những đỉnh cao nhất của hội họa sơn mài Việt Nam.
“Tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần - Nguyễn Tư Nghiêm nói - tôi không thích ‘con nghé’. Nhiều người thích ‘con nghé’, tôi thì không... Sự đời vẫn vậy, cái gì người khác thích thì chưa chắc đã phải cái mình thích, và ngược lại”.
Bởi nhiều lý do khác nhau, không chỉ Nguyễn Tư Nghiêm, mà hầu hết các họa sĩ bậc thầy Việt Nam - đều rất kỵ vướng vào hai chữ “hiện thực”.
“Tôi đếu phải họa sĩ hiện thực”. Có lần, bực mình, Trần Văn Cẩn đã buộc phải gắt lên một câu như vậy...
... Cũng kể từ 1957, để mở đầu cho một thời kỳ mới - “hậu nghé” - của ông, Nguyễn Tư Nghiêm bắt đầu chính thức vẽ “Múa cổ”. Và từ “Múa cổ” ông phát triển ra nhiều đề tài khác như “Kiều”, “Trẻ em vẽ”, “Tứ bình”, “Gióng”, và nhất là “Con giáp”...
Nguyễn Tư Nghiêm cũng đã từng vẽ một vài bố cục “âm-dương”, mà theo ông - nó có gì đấy “trùng trùng” với tranh trừu tượng.
Có người hỏi Nguyễn Tư Nghiêm: “Nghệ thuật ông có cần cuộc sống hay không?” Nguyễn Tư Nghiêm đã đáp lại, rất sảng khoái: “Tôi chưa đặt ra vấn đề ấy, nên khó trả lời”.
Bùi Xuân Phái vẽ phố cổ, chèo, gái - cũng đã từng bị chê là tách rời cuộc sống. Thay cho một câu trả lời, Nguyễn Tư Nghiêm cũng từng nói: “Không nên đòi hỏi quá nhiều ở nghệ sĩ. Nếu đòi hỏi quá, thì họ không thành họ được”...
4. Nguyễn Tư Nghiêm không thích nghi với nghệ thuật hàn lâm. Ông từng nói: “Xem tranh Miró tôi thấy dễ hiểu hơn xem tranh cổ điển”.
Một lần khác, ông tâm sự: “Về vẽ ‘académie’, tôi chưa bao giờ vẽ đúng chuẩn cả... Nếu học ở trường lâu, tôi và Phái thế nào cũng bị đuổi”.
“Không có Trường Mỹ thuật - ông nói tiếp - tôi vẫn có thể trở thành họa sĩ. Tôi có thể học vẽ qua thư viện”.
Nguyễn Tư Nghiêm từng học chữ Hán, giỏi tiếng Pháp, và từ tiếng Pháp, ông cũng lần ra cách để đọc được cả tiếng Anh. “Có những cuốn sách tốt - ông nói - nhưng cũng có những cuốn sách sai. Đoạn nào sai tôi thường xé bỏ”.
Nguyễn Tư Nghiêm rất thích “đọc Picasso”, ông bảo: “Nguyễn Sáng cũng rất thích Picasso. Picasso vẽ cái người ta không bắt chước được”.
Từ những năm 1990, Nguyễn Tư Nghiêm “thôi không đọc Picasso nữa”.
NGUYỄN TƯ NGHIÊM - Kiều và Kim Trọng. 1992. Bột màu. 67x50cm. Sưu tập nước ngoài
NGUYỄN TƯ NGHIÊM - Ông Gióng. 1978. Bột màu
Trang bìa vựng tập Triển lãm Tác phẩm Hội họa đầu tiên của Nguyễn Tư Nghiêm, Hà Nội 1985
Chữ ký của Nguyễn Tư Nghiêm năm 1988 (Sưu tập Hoàng Anh)
Danh thiếp của Nguyễn Tư Nghiêm năm 1993, có bút tích của ông (Sưu tập Hoàng Anh)
“Vậy ông đọc gì” - có người hỏi. “Tôi đọc sách của Hải Thượng Lãn Ông” - ông trả lời.
Điều đặc sắc nhất của nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ nằm trong những phẩm chất tạo hình có tính dân tộc hoàn toàn riêng biệt - mà còn bởi một sự nhất quán xuyên suốt qua vô vàn những trải nghiệm cực kỳ đa dạng (từ bỏ phong cách học hoặc đôi khi là ngược lại), thậm chí là khoảng cách văn hóa giữa các tác phẩm của ông so với một truyền thống đương thời mà về căn bản vẫn còn dựa trên nền móng của nghệ thuật cổ điển và ấn tượng.
Nguyễn Tư Nghiêm đã hút hết cái tinh túy của nghệ thuật cổ kim Đông Tây, của nghệ thuật Việt Nam cổ - và đã nhất thể hóa tất cả để tạo thành một phong cách dân tộc, hiện đại “Nguyễn Tư Nghiêm” như ta thấy. Theo Nguyễn Tiến Chung, nếu nói về tính dân tộc trong hội họa - thì Nguyễn Tư Nghiêm là vô địch.
Trong nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm, không phải cái “tôi”- mà chính là cái “xung năng tự nhiên” (yếu tố di truyền, sức nén, năng lượng vô thức) và cái “siêu tôi” (sự khẩn thiết tự phán xét, tự phản biện) - mới đóng vai trò quyết định.
Ở bên trong con người Nguyễn Tư Nghiêm tự thân đã hình thành một hệ thống chạy bằng đức tin, giống như căn cốt của một "ông đồng", chỉ chờ những điều kiện, những nguồn dữ liệu thích hợp - là kích hoạt, theo chu kỳ, và đã được đánh dấu bằng một chuỗi “hiệu ứng đổi đỉnh”... Nghệ thuật, ở đây, xuất hiện một cách tự nhiên, đi theo những tiếng gọi ban sơ nhất. Nó đã vượt qua mọi toan tính của cái gọi là "sự thông thái rởm" và, những gì chân chính nhất, thuần khiết nhất của nghệ thuật đã được lấy lại.
NGUYỄN TƯ NGHIÊM - Tiên rồng. 1988. Bột màu. Sưu tập Nguyễn Thu Giang
"Có cái chưa thành tranh, nhưng gợi được - Nguyễn Tư Nghiêm nói - Nhưng cũng có cái xong rồi thì lại không có gì cả".
... Có lần, 1999, bàn về cái “tôi” trong nghệ thuật (nhân dịp Thái Bá Vân đưa ra mệnh đề: “cá tính riêng biệt của từng nghệ sĩ chính là bản sắc dân tộc”) - Nguyễn Tư Nghiêm nói: “Đồng nhất cái cá tính, cái tôi của nghệ sĩ với bản sắc dân tộc là hoàn toàn sai. Các bậc thầy dân gian xưa khuyết danh, không có tên, nhưng họ đã tạo ra một quá khứ nghệ thuật rất đáng tự hào của dân tộc”.
“... Thời đại chúng ta thì có ai? - Nguyễn Tư Nghiêm lắc đầu, nói tiếp - Ai mới là người kế tục xứng đáng truyền thống ấy, quá khứ ấy của dân tộc?!”.
5. Nguyễn Tư Nghiêm tự nhận mình chỉ là người “chép” vốn cổ, “chép” đình làng, và cũng tự nhận mình “đã gặp Picasso, nhưng theo một con đường khác”. Nếu vì thế mà nói Nguyễn Tư Nghiêm khiêm tốn hay tự đại thì đều không đúng.
Ông chỉ là một người tự biết mình.
Nguyễn Tư Nghiêm suốt cuộc đời tự mình sống thanh bạch, cô đơn trong thế giới của sáng tạo, gần cuối đời mới lập gia đình, không có con, tuổi già chỉ có một ham muốn để lại được cho đời một ngôi nhà nhỏ “lưu niệm nghệ thuật”.
Gần 90 tuổi, Nguyễn Tư Nghiêm nói: “Nếu bây giờ in sách, tôi chỉ cần in tranh, không cần chữ”. Thật là tuyệt diệu!
Nhà thơ Nga Brodsky (giải Nobel 1987), đã từng viết: “... Không hiếm khi, chỉ bằng một từ, một vần, người viết bài thơ có thể đến được nơi mà trước đó chưa ai từng đến, và có thể còn xa hơn cả nơi mà chính người ấy mong ước”.
Trong hội họa, nếu có thật những người viết thơ như thế, thì một trong những người thơ ấy chính là NGUYỄN TƯ NGHIÊM.
Nguyễn Tư Nghiêm (bên phải) và tác giả Quang Việt. Tại xưởng họa của Nguyễn Tư Nghiêm, khu tập thể Trung Tự, Hà Nội 2003
Quang Việt
Nguồn : vietnamfineart