Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Cuộc triễn lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung với những tên tuổi của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày vừa đang thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng và giới chuyên môn. Bởi, Triển lãm không chỉ mang tầm vóc quy mô như tên gọi của chủ để, mà nó cònnhận được nhiều phản hồi cho rằng có đến 15/17 tranh là giả. Chung quanh việc này, chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà sưu tập người Pháp gốc Việt Gérard Chapuis ( người được mệnh danh là người gác đền Bùi Xuân Phái ở Marseille).
![]() |
Bức tranh gây tranh cãi và áp phích triển lãm. Nguồn Internet |
Mở đầu câu chuyện Gérard Chapuis nói:
Không lạm bàn tranh thật/giả trong triển lãm, tưởng cần nên nhắc lại vai trò của giám định viên, chuyên gia góp phần vào việc bảo tồn di sản quốc gia và quốc tế. Người ấy chính thức hóa tác phẩm nghệ thuật và xác nhận giá trị của nó. Họ có thể được bổ nhiệm tại các tòa án khác nhau, công tác với chuyên viên bán đấu giá, nhà sưu tập, bảo tàng và có thể phát hiện các thay đổi bởi đối tượng thời gian hoặc con người trên vật phẩm. Một vài giám định viên còn là nhà buôn tranh hay buôn đồ cổ (trong tình thế nầy sẻ có ít nhiều tính "xung đột lợi ích"). Giám định viên cần có kỹ năng nắm bắt thị trường nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật, kiến thức về các xu hướng nghệ thuật chủ yếu, kiến thức uyên thâm để xác thực, kỹ năng soạn thảo và trình bày thông tin, kỹ năng đàm phán và giao tiếp, tính thích tích hợp thông tin đọc từ sách tham khảo, danh mục sản phẩm, thành thạo ít nhất một ngoại ngữ (tiếng Anh phổ biến), năng động và linh hoạt.
![]() |
Nhà sưu tập Gérard Chapuis tìm bức tranh gốc của danh họa Bùi Xuân Phái vẽ chân dung nhà nhiếp ảnh Trần văn Lưu tại chính bia mộ ông Lưu |
Như Vậy thưa ông, khi tác phẩm mỹ thuật lưu hành trên thị trường thì người sưu tập biết căn cứ vào đâu để xác định tranh thật?
Khi tham gia xác định những thông tin cần nêu chính xác trong danh mục giới thiệu bán đấu giá hoặc trên giấy chứng nhận tính xác thực các vật phẩm nghệ thuật, để tránh nhiều sự tranh chấp khác nhau trong giao dịch buôn bán và để tránh tính lờ mờ có hại đến quyền lợi người mua, giám định viên Pháp phải tuân thủ theo sắc lệnh ký bởi thủ tướng Pháp Raymond BARRE ngày 28.04.1980. Chính nhờ vậy mà quy định này đã tạo ra một thang giá trị thực thụ cho tác phẩm nghệ thuật. Và giờ đây, giấy chứng nhận của họ cũng tuân theo quy tắc với mục đích phục vụ pháp luật một cách chính xác nhất. Khi giấy chứng nhận mang dòng « Tác phẩm của…/Oeuvre de…» hay « Ký bởi.../Signé par…» ta có thể tin rằng tác phẩm được thực hiện bởi chính tác giả. Đó là tác phẩm thật. Nếu vì bất cứ lý do nào, khi có nghi vấn dầu rất nhỏ về người cha đẻ sáng tạo ra tác phẩm thì giấy chứng nhận tính trung thực sẽ mang dòng chữ « Được gán cho là của…/Attribué à…». Lời ghi chú nầy kèm theo tên tác giả bảo đảm rằng tác phẩm đó được sản xuất lúc tác giả đó còn lao động thịnh hành và có khả năng rất lớn tác phẩm được sáng tạo từ chính tay tác giả. Trong trường hợp nầy, tất cả sự chọn lựa đều "có thể" cho tương lai (tất cả các cửa đều trong tư thế mở) ; ta có thể phản bác hay đem thêm nhiều khái luận mới sau nầy. Khi giấy chứng nhận mang dòng «Đến từ xưởng của.../Atelier de…», tác phẩm đã được sản xuất trong xưởng hay dưới sự chỉ huy của tác giả. Những dòng chữ sau đây không có giá trị pháp lý « Theo bút pháp của.../Dans le style de…», « Theo gu của…/Dans le goût de…», «Mô phỏng theo…/A la manière de…/Genre de…/D’après…/A la façon de… ».
Trên giấy chứng nhận mà chúng ta được dịp mục sở thị, trước khi kí tên, giám định viên viết : "Certifié d'origine et d'époque" sẽ được tạm dịch là "Chứng nhận Bản Gốc và Đúng Kỷ Nguyên".Dòng chử nầy không có giá trị pháp lý hay nếu có, đây chỉ là cách thoái thác để tránh dùng từ “Được gán cho là của…/Attribué à…”có nghĩa là “Giám định viên bảo đảm rằng tác phẩm đó được sản xuất lúc tác giả đó còn lao động thịnh hành và có khả năng rất lớn tác phẩm được sáng tạo từ chính tay tác giả”. Để cho dễ hiểu và có thước đo, một tranh trung bình "Tác phẩm của Lê Phổ" sẽ được rao giá 100.000-120.000 e trong khi một tranh trung bình "Tác phẩm được gán cho là của Lê Phổ" giá sẽ giao động từ 1.500-2.500 e và giá có thể sẽ được nâng lên rất cao giữa người mua với người mua đầy bản lĩnh chấp nhận áp lực. Ở đây gần như sàn đấu giá sẽ trong tư thế "thanh liêm" vì giá đầu rất mềm để tránh kiện tụng.
Vả lại tại sao chỉ con dấu hành chánh "SAO Y BẢN CHÁNH/Pour copie certifiée conforme à l'original" tầm thường trên giấy chứng nhận tính xác thực đã được phù phép để trở thành giấy "Chứng nhận/Hợp Pháp Hoá Lãnh Sự" do BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM cấp (nghe to lớn gấp nghìn lần hơn) hay ở một tờ báo khác, con dấu được coi là con dấu công chứng (?). Với "Hội chứng tự cao tự đại" họ đã dùng dấu xanh dấu đỏ trên giấy chứng nhận tính xác thực tranh bằng tiếng nước ngoài, những mỹ từ như "Thành viên của Công ty Quốc Gia Giám định viên", "Thành viên của Hội Liên Hiệp Giám định viên Pháp" để che đậy sự thiếu chặt chẽ của tờ giấy giám định, để tung hoả mù, ta có nên tiếp tay với họ để họ mãi mãi là Charles Marie David de Mayréna, Marie đệ nhất, vua xứ Sedang mà ta vẩn triền miên là người sơn cước tây nguyên năm nào, không hiểu bất cứ gì về ngôn từ đừng nói đến chuyện mỹ thuật xa vời?
Vậy nếu có vấn đề thiếu tính trung thực của vật phẩm nghệ thuật xảy ra thì sẽ phải giải quyết ra sao?
Trước pháp luật, người chủ sở hữu vật phẩm nghệ thuật phải đảm bảo rằng các thông tin cung cấp cho người mua là chính xác. Nếu thông tin thiếu sót, khiếm khuyết, người chủ sở hữu là người chịu trách nhiệm sai lầm cá nhân/Responsabilité délictueuse và chấp nhận bồi thường thiệt hại cho người mua. Trong trường hợp có tranh chấp, tòa án xem xét trách nhiệm của người bán có thực hiện hay không cuộc điều tra cần thiết để chứng minh tính xác thực của một tác phẩm (hồ sơ vật phẩm) trước khi giao dịch buôn bán. Nếu người chủ sở hữu vật phẩm nghệ thuật là nhà buôn tranh hay buôn đồ cổ chuyên nghiệp, họ còn phải có sổ đăng ký/registre de police (ngày mua, giá mua, mua của ai, phương thức thanh toán tiền, tên chính xác của người bán). Khi quyền lợi người mua bị xâm phạm và nhà sưu tập là nạn nhân của sự lừa đảo, chính bị hại phải vác gậy của người lữ thứ đệ đơn Toà án Hình sự Paris, Toà án Hình sự Quốc tế/Tribunal pénal international hay INTERPOL Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tếtỉnh LYON/Pháp có thẩm quyền để phán xét. Khi nhà sưu tập đem sự việc ra trước toà để kiện tụng, đi tìm công lý, ông ta phải được sự đồng lòng hỗ trợ từ Bão tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Hội mỹ thuật Việt Nam, không chỉ một lần nhưng liên tục trên hành trình dài, không được khoan hồng, nhu nhược đối với giám định viên sai trái. Khi biết được giám định viên không còn công tác với nhà buôn đấu giá tên tuổi, chúng ta mới hiểu vì sao giám định viên chấp nhận bán trực tiếp tranh cho nhà sưu tập cá nhân mà không qua ải nhà buôn đấu giá tên tuổi HK.
Cụ thể sự việc lùm xùm tại cuộc triển lãm " Những bức tranh trở về từ Châu Âu" tại Bảo tàng mỹ thuật TP HCM cần có những bước đi nào tiếp theo?
Thiết nghĩ Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh nên có thư mời giám định viên đến để đối chất; trong trường hợp thoái thác vì địa lý, phải dồn vào thế lưỡng nan, mời đến Tổng lãnh sự Việt nam tại Paris để làm việc ; kính đề nghị Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng nên có những quyết định mạch lạc, qua pháp luật, tạm giữ ít nhất hai tranh sơn dầu để phục vụ điều tra. Về vấn đề tranh bị xoá chữ ký, X quang phản xạ tia cực tím/Ultra-violet par réflexion sẽtìm được dấu vết chữ ký xưa bị xoá, Huỳnh quang cực tím/ Ultra-violet par fluorescence sẽ phát hiệnracác thay đổi bởi đối tượng thời gian hoặc con ngườitrên mặt tranh, X quang tia hồng ngoại/Infra-rouge tìm lại vết phác thảo xưa nếu có, chữ ký bị sơn đè lên bằng chữ ký giả.
Đề nghị Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Hội mỹ thuật Việt Nam, các nhà sưu tập mỹ thuật Việt Nam thành lập "Hiệp Hội Nạn nhân"thông báo vụ việc đến "Công ty Quốc Gia Giám định viên", "Hội Liên Hiệp Giám định viên Pháp" nơi mà giám định viên là thành viên, đệ đơn đòi công lý cho mỹ thuật Việt Nam, bị hại, trước Toà án Hình sự Quốc tế/Tribunal pénal international có thẩm quyền để phán xét. Đã được làm rõ việc H.S Thành Chương là tác giả cuả tranh lập thể và để được bồi thường tương xứng xúc phạm danh dự, H.S Thành Chương, qua pháp luật, đề nghị lời xin lổi chính thức của giám định viên trên nguyên trang A4 trong tập chí tuần san mỹ thuật quốc tế « La Gazette de Drouot » (Giá trị in 1 tuần , nguyên trang, tương đương với 150 triệu VNĐ(6000 e). Nếu như về phía Việt Nam không quyết tâm mạnh bạo xử lý, Mỹ thuật Việt Nam sẽ trong vòng luẩn khuẩn, xuống dốc không phanh, không hồi kết của tám năm về trước (2008 Sotheby's HK, khi mà hậu duệ Bùi Xuân Phái, bất lực, đứng giữa đất với trời thề « đi đến cùng »nhưng vẫn chưa đi đến đâu vì thiếu sự chân thành đi tìm công lý)
Theo tôi, trong đời, có ba nguyên lý mà chúng ta không giấu được mãi mãi: Mặt trời, mặt trăng và sự thật. Giám định viên có tiền án (2008), tự cao tự đại tự tin, mua danh chưa tới ba vạn mà đã bán danh một đồng, đã dám tái phạm vì nắm bắt được tâm lý Mỹ thuật Việt Nam thiếu quyết đoán. Nhà bác học/Giámđịnh viên Frankenstein đã tạo ra quái vật/Lô tranh giả đi ra khỏi tầm tay của ông khi bán cho nhà sưu tập hám danh đem tranh đi triển lãm trước bàn dân thiên hạ ; Mướp đắng gặp mạt cưa và giám định viên đã cho chúng ta đủ nguyên liệu để chiếu bí và chiếu hết. Mỹ thuật Việt Nam đứng trước thử thách lớn, một bài toán khó từ một giám định viên bắn tỉa hay một tập đoàn có số má ? Thiếu cơ chế giám định, thiếu hiểu biết về nguồn máy pháp lý quốc tế, liệu Mỹ thuật Việt Nam có để vuột khỏi tầm tay một lần nữa cơ hội san bằng cơ đồ của bọn họa tặc?
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn : Báo văn nghệ