Vi   En

Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

02432012355

Phó GS, Nhà giáo ưu tú, họa sĩ Vĩnh Phối -Người tiên phong của tranh trừu tượng

Quay lại

Họa sĩ Vĩnh Phối được biết đến như một trong những người đầu tiên đem làn sóng mỹ thuật hiện đại vào Việt Nam. Ông vẽ trừu tượng từ rất sớm, tên tuổi ông được khẳng định qua hàng loạt tác phẩm được mời dự triển lãm trong và ngoài nước cùng rất nhiều giải thưởng mỹ thuật danh giá.

 

PGS –Họa sĩ Vĩnh Phối tốt nghiệp khoa Hội họa (1958) và khoa Sư phạm (1959) Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, sau đó học hội họa, điêu khắc ở Học viện Mỹ thuật La Mã và nghiên cứu mỹ thuật ở Viện Đại học La Mã, Italia (1960 - 1966)

 

Ngọn gió đầu của tranh trừu tượng Việt

          Giữ mình gần như trọn cuộc đời ở Huế, bởi vậy tên tuổi họa sĩ Vĩnh Phối có thể không xuất hiện dày đặc trên truyền thông, nhưng trong lịch sử hội họa Việt Nam, ông đã xác định một vị trí. Ông là họa sĩ Việt Nam thứ hai được đào tạo tại Học viện Mỹ thuật La Mã. Trước ông, giáo sư Lê Văn Đệ, người tốt nghiệp khóa đầu tiên của Đại học Mỹ thuật Đông Dương là họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tập tại đây. Chính giáo sư Lê Văn Đệ khi về nước làm giám đốc đầu tiên của trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn đã giới thiệu người học trò xuất sắc của mình là chàng sinh viên trẻ Vĩnh Phối, khi ấy vừa tròn 20 tuổi nhận học bổng sang học tại Học viện Mỹ thuật La Mã. Trong giai đoạn từ năm 1959-1967, họa sĩ Vĩnh Phối học tập tại Học viện Mỹ thuật La Mã và sau đó tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu sinh ở ĐH Tổng hợp Alexander của La Mã chuyên ngành lịch sử Mỹ thuật. Sớm tiếp cận với hội họa hiện đại châu Âu, ông gần như ngay lập tức bị cuốn hút bởi phong cách trừu tượng. Họa sĩ Vĩnh Phối thừa nhận: “Tôi đã có thời gian dài học mỹ thuật ở Italia, chắc chắn các trào lưu nghệ thuật châu Âu đã có ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác. Một nhà phê bình từng nhận xét tác phẩm sáng tác trong thời kỳ đầu của tôi phảng phất dấu vết Alberto Giacometti, Jean Arp, Joan Miró, Henry Moore, Umberto Boccioni…”. Ngay trong giai đoạn này, Vĩnh Phối đã khẳng định phong cách hiện đại, khác hẳn với các họa sĩ cùng thời và đã dành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Trong đó có những giải thưởng danh giá: giải nhì cuộc thi quốc tế Mỹ thuật đương đại Bracciano, Roma (1962), Huy chương bạc Triển lãm quốc tế mỹ thuật đương đại Viterbo, Italia (1962)... Ông được đánh giá là một trong những người đầu tiên đem làn sóng mỹ thuật hiện đại vào miền Nam. Ông còn rất nổi tiếng trong phong trào văn hóa nghệ thuật lúc bấy giờ khi tham gia đóng bộ phim Marco Polotại Italia vào năm 1961 rất thành công.

 

Họa sĩ Vĩnh Phối và họa sĩ Lương Giang trong buổi ra mắt phòng tranh Megan Gallery tại 30-32 Kim Mã, Hà Nội

 

Sau này, họa sĩ Vĩnh Phối có sáng tác theo nhiều phong cách khác nữa như phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa, tham gia nhiều đề tài cách mạng, vẽ chân dung, tĩnh vật… Rất nhiều trong số đó đã được chọn đi trưng bày tại các triển lãm trong và ngoài nước, giành nhiều giải thưởng mỹ thuật. Song nhiều nhà phê bình nhận định: cái chất làm nên phong cách hội họa của họa sĩ Vĩnh Phối là trừu tượng. Chính họa sĩ Vĩnh Phối cũng thừa nhận: “Có một giai đoạn, người ta nói tôi vẽ theo kiểu tranh tư bản, tôi chuyển sang sáng tác ở các phong cách khác. Nhưng bạn bè thì nói: đó không phải bản chất của anh! Tôi quay lại vẽ trừu tượng từ sau Đổi mới đến nay”. Ông tâm đắc với nhận xét của tác giả Thu Thủy, trong bài viết trên báo Nhân Dân từ năm 1997: “Ông đã dành hết tâm sức và những tìm tòi táo bạo cho các tác phẩm trừu tượng với một bản lĩnh kiên định hiếm có”.

Cốt cách Huế

          Lần đầu được gặp, tôi đã cực kỳ ấn tượng về họa sĩ Vĩnh Phối, người họa sĩ già đã vượt ngưỡng “xưa nay hiếm”, lịch thiệp với một cốt cách Huế đậm đặc nhưng cũng hết sức giản dị, gần gũi.

 

Họa sĩ Vĩnh Phối và tác giả bài viết

 

Trong câu chuyện với ông, Huế thường xuyên được nhắc đến. Ông mang trong mình dòng máu hoàng tộc, sinh trưởng trong kinh thành Huế và gắn bó cả cuộc đời nghệ thuật với mảnh đất này. “Tôi là một họa sĩ Huế” – ông nói khi thế khi nhận xét về tranh của chính mình. Dù vẽ trừu tượng – một phong cách tranh đặc phương Tây nhưng chất Huế, chất dân tộc trong tranh ông rất đậm nét. Khi xem tranh của hoạ sĩ Vĩnh Phối, người ta luôn thấy được tâm hồn Phương Đông trong đó. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng từng nhận xét: “Khó có thể nhận ra cả cuộc đời dài đầy truân chuyên và ẩn nhẫn của họa sĩ qua các bức họa. Sự theo đuổi nghệ thuật trừu tượng, sớm và liên tục của Vĩnh Phối đã giấu đi tất cả, chỉ còn lại những cảm giác mơ hồ về vinh nhục, thành bại, mà trong cái vui còn xen lẫn chút cay đắng.  Đôi bức tranh còn nhận thấy những mô-típ rút từ nền văn hóa truyền thống: con Rồng, khoáy âm dương… Những mô-típ này hòa tan dần cùng các hình thể khác tạo ra cấu trúc xoắn chặt chẽ… Những ý tưởng về văn hóa phương Đông đã ngấm trong từng nhát bút, được thể hiện một cách ngẫu hứng và bột phát. Do đó, dù các bức họa được sang tác từ lâu, nhưng ta vẫn luôn tưởng rằng chúng mới được vẽ xong”. Còn họa sĩ Vĩnh Phối thì thừa nhận: “Mình là người Việt Nam thì dù mình có vẽ trừu tượng nó vẫn toát lên cái chất dân tộc trong đó. Tôi vẽ theo khuynh hướng hiện thực, có lúc vẽ trừu tượng; rồi hiện thực xã hội chủ nghĩa; gần đây là bán trừu tượng, biểu hiện. Nhưng, dù vẽ theo khuynh hướng nào, bút pháp nào, quan niệm nghệ thuật của tôi cũng luôn hướng đến con người, hướng đến cuộc sống. Một lẽ nữa, tâm đắc quan niệm tìm về văn hóa truyền thống dân tộc, tìm sự hòa hợp giữa phương Đông và phương Tây của người thầy - họa sĩ Lê Văn Đệ, tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa Đông Sơn, văn hóa thời Lý Trần, thời Nguyễn… Đại khái, sự vận dụng này được thể hiện qua các bức vẽ Chiến sĩ Đông Sơn, Hùng Vương, Ngựa đá lăng Gia Long, Ngọ Môn Huế, Dòng Hương giang, Lễ hội hoa đăng…”

Chất dân tộc, chất Huế trong tranh ông bởi vậy tự nhiên như là hơi thở của cuộc sống, của một tâm hồn hội họa đậm chất Á Đông.

Người anh, người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ

          Giới văn nghệ sĩ ở Huế đều kính cẩn gọi ông bằng thầy. Ông là “cây đại thụ” của phong trào văn hóa nghệ thuật cố đô và là người thầy của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ trong cả nước.

 

Ông từng là Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1967 - 1975) và nguyên Hiệu phó Trường Đại học Nghệ thuật Huế (1976 – 1999). Nguyên là Chủ tịch Hội Nghệ thuật Châu Á tại La Mã. Những tác phẩm của ông đã được rất nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới. Giải Targa d'agent, triển lãm mùa xuân Genova, Italia năm 1960, Huy chương Bạc triển lãm sinh viên Mỹ thuật quốc tế Rome năm 1961, Giải Nhì tác phẩm được sưu tập ở Việt Nam và nước ngoài (Ý, Pháp, Nhật, Đức, Áo, Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển, Singapore, Mỹ, Úc...) năm 1962, Huy chương Bạc Triển lãm Quốc tế Mỹ thuật đương đại Viterbo, Italia năm 1962…

 

Ngay sau khi đi tu nghiệp tại La Mã trở về, ông được giới thiệu làm Giám đốc trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế khi mới 30 tuổi. Trong giai đoạn sau giải phóng năm 1975, ông là người có công thuyết phục các văn nghệ sĩ tài năng như họa sĩ Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Lê thành Nhơn... ở lại để tiếp quản các cơ sở văn hóa, đặc biệt là khôi phục hoạt động của trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Từ 1975 cho đến lúc nghỉ hưu ông đảm nhân chức vụ Hiệu phó trường Đại học nghệ thuật Huế. Đây là một trong những cái nôi lớn của nền hội họa nước nhà, nơi chắp cánh cho rất nhiều họa sĩ tài năng. Ông đã vinh dự được Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật”, Huy chương “Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam”, được Nhà nước tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” (1990) và phong hàm Phó Giáo sư (năm 1992). Ngoài ra, ông đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị như Nghệ thuật trang trí HuếNghệ thuật Pháp lam Huế, chủ biên đề tài Nghệ thuật tạo hình Huế

Trong sự nghiệp sư phạm, ông đã đào tạo được nhiều lứa họa sĩ tài năng. Ngay bây giờ, khi đã ở độ tuổi gần 80, vẫn có nhiều người tìm đến ông để “tầm sư học đạo”. Diễn viên, họa sĩ trẻ Lương Giang là cô học trò cưng mà ông đang dìu dắt ở thời điểm hiện tại. Mới đây, Lương Giang đã mời thầy Vĩnh Phối đưa một số tác phẩm ra triển lãm tại Megan Gallery (30-32 Hòa Mã) để giới thiệu với công chúng Thủ đô.

 

Theo Hoàng Hương Trà (Hà Nội Mới)

 

Sản phẩm

Dịch vụ