Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Thành phố Huế thơ mộng cũng là nơi tập trung rất nhiều làng nghề thủ công với những sản phẩm phục vụ đời sống và góp phần vào gìn giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa- lịch sử. Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế năm 2014, thành phố Huế hiện có 88 làng nghề, bao gồm cả làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề mới du nhập. Tuy không được xếp vào một trong số các làng nghề của thành phố Huế, nhưng trong các nghề thủ công được công nhận hiện nay, pháp lam Huế mang trong mình rất nhiều điểm kỳ thú. Từnglà kỹ thuật chế tạo ra những sản phẩm rất được ưa chuộng thời Nguyễn, pháp lam Huế lại phải chịu cảnh thất truyền suốt một thời gian dài, hiện nay đang được hồi sinh.
Pháp lam Huế là tên để chỉ kỹ thuật tráng men trên kim loại- thường là kim loại đồng, xuất hiện tại Việt Nam thời Nguyễn. Theo các tài liệu nghiên cứu về nguồn gốc pháp lam, kỹ thuật tráng men trên kim loại do ông Vũ Văn Mai thấy nhu cầu dùng đồ pháp lang Trung Hoa được giới quý tộc và dân chúng xứ Huế ưa thích, bèn sang Quảng Đông học nghề. Khi về nước, Vũ Văn Mai tấu trình lên vua và được giao cho lập xưởng chế tác cho triều đình vào năm 1827. Tuy nhiên, nhà Nguyễn chọn từ “pháp lam” chứ không phải từ “Pháp lang” vì lý do kiêng kỵ quốc húy của triều Nguyễn. Các sản phẩm pháp lam Huế theo các nghiên cứu, thịnh hành vào các đời vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883), sa sút từ sau thời kỳ “tứ nguyệt tam vương” [*] và dù được phục hồi, chỉnh đốn dưới triều Đồng Khánh (1885-1889) song không phục hưng nổi mà rơi vào thoái trào rồi thất truyền. Nguyên nhân chủ yếu của sự thất truyền của kỹ thuật pháp lam được đánh giá do tình hình tài chính eo hẹp không nhập được các màu men kim loại từ nước ngoài về như thời kỳ trước. Như vậy, thời gian tồn tại của kỹ nghệ pháp lam Huế, từ lúc khai sinh đến khi thất truyền, chỉ hơn 60 năm. Nhưng di sản pháp lam còn lại trên mảnh đất cố đô Huế khá đồ sộ, phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và kiểu thức vẫn còn lưu lại trên cổng tam quan, diềm trang trí hay những lọ, bình, đĩa, khay sinh hoạt, đồ thờ tự màu men pháp lam rực rỡ, tươi sáng, trường tồn với thời gian.
Tranh phù điêu pháp lam phật A-DI-ĐÀ ở Tu Viện Pháp Vân, Quận Tân Phú, Tp.HCM
Bát pháp lam
Hộp pháp lam
Mặc dù nghề làm pháp lam được học từ Trung Hoa nhưng đó không phải cái nôi khai sinh ra kỹ thuật tráng men trên kim loại. Theo dòng chảy lịch sử, những sản phẩm với kỹ thuật sơ khai của kỹ thuật tráng men kim loại đã xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại. Tiến dần theo sự phát triển của xã hội loài người, các kỹ thuật Cloisone, Champleve, Plique a jour và Painted enamel của tráng men kim loại lần lượt ra đời ở châu Âu và tới Trung Hoa bởi vó ngựa viễn chinh của quân Mông Cổ và các tu sĩ dòng Tên trên hành trình truyền giáo. Các kỹ thuật tráng men kim loại được người Trung Hoa gọi dưới cái tên Kháp ty pháp lang đối với kỹ thuật Cloisonne, Tạm thai pháp lang với kỹ thuật Champleve, Thấu minh pháp lang với kỹ thuật Plique-a-jour và Họa pháp lang với kỹ thuật Painted enamels. Ở Việt Nam, các sản phẩm tráng men kim loại du nhập từ Trung Hoa và cả các sản phẩm do ông Vũ Văn Mai và môn đệ học được và chế tác đa phần áp dụng kỹ thuật Họa pháp lang.
Hiện nay tại Huế, nghề pháp lam đã được nghiên cứu và khôi phục lại bởi kĩ sư-thạc sĩ Đỗ Hữu Triết đã tạo điều kiện tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề thủ công độc đáo này. Hiện nay, kỹ thuật tráng men kim loại áp dụng trên các sản phẩm thường là kỹ thuật Họa pháp lam (Painted enamels) và kỹ thuật ngăn ô chia hộc Kháp ty pháp lam (Cloisonne). So với các sản phẩm pháp lam trước đây thường ở dạng đồ gia dụng tế tự, trang trí nội ngoại thất, với mục đích phục vụ cho các tầng lớp vua quan phong kiến thời Nguyễn và trung lưu, các sản phẩm pháp lam hiện nay được bổ sung thêm các dạng tranh treo tường và sản phẩm làm quà tặng lưu niệm. Có thể điểm qua các sản phẩm của kỹ thuật pháp lam hiện nay như các bức tranh treo tường đơn chiếc hoặc một bộ gồm nhiều tranh, các dạng đèn ngủ, đèn đường, bàn ghế, bình phong… trang trí nội ngoại thất, bình, lọ, bát pháp lam trang trí và các hộp đựng trang sức, mặt dây, vòng tay trang sức làm quà tặng.
Dĩa trạm đồng pháp lam
Trích đoạn đèn đường pháp lam
Đồ pháp lam Huế
Đồ pháp lam Huế
Họa tiết trang trí được sử dụng trong sản phẩm pháp lam hiện nay tuy vẫn duy trì các họa tiết hoa dây trong vốn cổ, long phượng, hoa văn kết hợp với chữ Nho, hình phong cảnh sơn thủy- vốn là những đồ án trang trí quen thuộc trong các triều đình phong kiến Việt Nam, nhưng đồng thời đã bổ sung thêm các chủ đề về hoa sen- quốc hoa của Việt Nam ở cả hình thức tả thật và cách điệu, hình hoa hồng hoa cúc vốn là những loài hoa quen thuộc trong cuộc sống ngày thường. Bên cạnh đó, phong cảnh các di tích và thắng cảnh Huế cũng là chủ đề được khai thác đa dạng đưa vào trang trí sản phẩm pháp lam. Không dừng lại ở đó, bằng cách sử dụng những hình ảnh của cuộc sống hàng ngày như hình ảnh lao động, hình ảnh sinh hoạt đã góp phần khiến sản phẩm pháp lam ngày càng gần gũi, thân thuộc với người dân trong cuộc sống hàng ngày. Như vậy, đề tài của sản phẩm pháp lam ngày nay vừa lưu giữ vẻ đẹp của văn hóa và thẩm mỹ cung đình, vừa thể hiện được vẻ đẹp của nghệ thuật kiến trúc, của phong cách sống hiền hòa, hòa hợp giữa con người và tự nhiên- một nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ Huế. Ngoài ra cũng xuất hiện một số phù điêu chủ đề Phật giáo được sử dụng kỹ thuật pháp lam thể hiện khả năng ứng dụng bước đầu của kỹ thuật này trong các sản phẩm phục vụ Phật giáo- tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong văn hóa dân gian Huế.
Vẻ đẹp của sản phẩm pháp lam được bắt đầu với sự khéo léo của người nghệ nhân kim hoàn tạo khuôn cốt kim loại- thường pháp lam Huế dùng cốt bằng đồng thau do dễ gia công cắt gọt và tạo hình. Sau đó, cốt kim loại sẽ được tráng một lớp men nền- lớp men có vai trò liên kết giữa cốt kim loại và lớp men bên ngoài lên bề mặt cốt kim loại rồi đem nung ở nhiệt độ gần 9000C. Tùy theo kích thước sản phẩm mà được nung ở lò cỡ nhỏ, cỡ trung hay cỡ đại. Chủ đề trang trí của sản phẩm pháp lam được vẽ nét lên trên bề mặt cốt kim loại đã tráng men. Người nghệ nhân tùy theo việc sử dụng kỹ thuật kháp ty pháp lam (Cloisonne) hay họa pháp lam (Painted enamels) để tô riêng men màu- là lớp men trong và mỏng bên ngoài lớp men nền, dùng để vẽ trên bề mặt sản phẩm- bằng bút lông các cỡ lên từng ô đã chia hay vẽ trực tiếp lên nền men những hoa văn trang trí theo chủ đề đã lựa chọn và để khô rồi nung một lần nữa ở nhiệt độ 9000C để hoàn thiện sản phẩm. Màu men sử dụng trong kỹ thuật pháp lam là men thủy tinh, khi sử dụng pha cùng nước ở tỷ lệ nhất định. Chính việc pha men cùng nước khiến cho màu sắc của pháp lam thêm phong phú, không chỉ dừng lại ở các màu có sẵn mà còn có thể chuyển màu theo chủ ý sáng tác. Trong trường hợp màu men chưa ưng ý, người nghệ nhân có thể tiếp tục tô men thêm rồi để khô và nung tiếp, làm nhiều lần như vậy tới khi màu men ưng ý thì dừng lại. Sau cùng, sản phẩm được đem mài bằng giấy ráp thô các cỡ từ 200 đến 400 để lộ rõ lớp màu của sản phẩm và mài bóng để hoàn thiện.
Đĩa pháp lam
Chóe pháp lam
Đèn trần pháp lam
Tranh pháp lam
Như vậy, có thể nhận thấy sản phẩm pháp lam Huế là những sản phẩm thủ công, với sự trợ giúp nhỏ từ máy móc, chủ yếu được tạo thành từ bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người nghệ nhân. Với ưu điểm lớn nhất của sản phẩm sử dụng kỹ thuật pháp lam là màu sắc tươi sáng, phong phú, đa dạng và độ bền của sản phẩm. Sản phẩm được thực hiện phần lớn trên đồng, bởi vậy có thể dễ dàng tạo hình, trọng lượng sản phẩm không lớn, thuận tiện trong việc vận chuyển. Một đặc trưng nữa của sản phẩm pháp lam Huế mang tính địa phương cao, thể hiện tính thẩm mỹ và văn hóa xứ Huế, nhưng đồng thời hòa chung trong nền văn hóa Việt Nam. Trong thời gian hơn 12 năm kể từ ngày kĩ sư - thạc sĩ Đỗ Hữu Triết cùng các chuyên gia phục dựng thành công kỹ thuật pháp lam Huế và cùng các đồng nghiệp là những nghệ nhân kim hoàn, nhà thiết kế và họa sĩ có cùng niềm đam mê và chuyên tâm với sản phẩm pháp lam đang tạo cho pháp lam Huế một diện mạo mới, với sự đón nhận bước đầu của không chỉ người dân Việt Nam và khách du lịch quốc tế. Với các showroom trưng bày sản phẩm pháp lam, các hiện vật pháp lam trưng bày trên đường phố hay ứng dụng trong các nhà hàng, nhà nghỉ dưỡng, trong trang trí cột và phù điêu các ngôi chùa đã tạo điều kiện cho công chúng tiếp nhận sản phẩm pháp lam Huế. Đồng thời, bằng việc kết hợp với các tour du lịch đưa du khách tới tận nơi sản xuất pháp lam và tự tay thực hiện những sản phẩm đơn giản cũng góp phần quảng bá pháp lam Huế và những người dân Huế thân thiện, hiếu khách. Đánh dấu bằng sự kiện pháp lam Huế đã được vinh danh trong Festival làng nghề truyền thống Huế năm 2009 cho thấy sự công nhận về một nghề truyền thống của Huế đã hồi sinh. Điều này khiến chúng ta kỳ vọng về sự phát triển của kỹ thuật pháp lam Huế trong tương lai không xa với sự quan tâm giúp đỡ của các ban ngành có liên quan không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà cả quốc tế, tạo nên thương hiệu của một ngành nghề truyền thống mang trong mình cả những nét cổ truyền, văn hóa Việt hòa cùng những nét mới mẻ, hiện đại của thời đại hiện nay.