Vi   En

Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

02432012355

Triển lãm “Sóng ở đáy sông”

Quay lại

 

 

Triển lãm “Sóng ở đáy sông”

 

 

 

Khai mạc: 17:30, thứ năm 19/09/2019
Triển lãm: 19/09 – 31/10/2019
Giờ mở cửa: 9h30 – 18h30 từ thứ 3 tới chủ nhật, đóng cửa ngày thứ 2
Cuci Art Studio
Tầng 2, 25 Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội

 

Thông tin từ nhà tổ chức:

 

Triển lãm ‘Sóng Ở Đáy Sông’ là câu chuyện nghề, chuyện đời, chuyện người của 2 cha con hoạ sĩ Lục Quốc Nhượng và Lục Quốc Sỹ. Sự tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, của rất ít những nghệ sĩ ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’ trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại.

 

Triển lãm bao gồm 48 tác phẩm sơn dầu của nghệ sĩ Lục Quốc Nhượng và 17 tác phẩm sơn mài của hoạ sĩ Lục Quốc Sỹ.

 

Trong giới mỹ thuật, hiếm có họa sĩ nào gắn bó với nghề theo cách như Lục Quốc Nhượng và Lục Quốc Sỹ. Họ đã làm nghệ thuật miệt mài trong suốt những năm qua với niềm đam mê như ngày đầu, dù cuộc sống có xảy ra những biến cố lớn thế nào. Nói riêng về nghề, giữa họ, có rất nhiều điểm tương đồng, không hẳn vì là cha con, mà bởi cả hai cùng dành cho nghệ thuật một tình yêu thuần khiết. Khi sáng tác, họ đều để cho cảm xúc dẫn lối, đều theo đuổi cá tính nghệ thuật riêng, và không có bất kỳ sự “toan tính” ngoài nghệ thuật nào len vào mặt toan hay mặt vóc. Họ vui vẻ chấp nhận một thực tế, tranh của mình không thuộc dòng thương mại, đồng nghĩa với khó bán. Đó chính là nghệ thuật vị nghệ thuật đích thực!

 

Họa sĩ Nguyễn Đình Phúc từng nhận xét tác phẩm của Lục Quốc Nhượng là: “Khác người, rất khác người!”. Trong nghệ thuật thì “khác người” chính là độc đáo, là thứ “vân tay” riêng mà người nghệ sĩ nào cũng mong mỏi tìm kiếm, nhưng không phải ai cũng có được. Cái “khác người” của Lục Quốc Nhượng bộc lộ qua rất nhiều yếu tố, nhưng rõ nét nhất là sự tự do trong sáng tác. Như chia sẻ của họa sĩ, ông giải phóng mình khỏi mọi kỹ thuật, lối vẽ trường quy, chỉ để duy nhất cảm xúc tràn lên mặt toan, và điều đó diễn ra hoàn toàn tự nhiên. Có lẽ vì thế mà các tác phẩm của ông, về màu sắc, tạo hình, vờn khối, đường viền hình họa…, có tính ngẫu hứng rất cao, đem đến những ấn tượng thị giác phong phú. Xem tranh ông, đôi khi giật mình vì những khối tròn, vuông, tam giác… được “thả” cạnh nhau đầy táo bạo nhưng vẫn làm nên một tổng thể “vừa mắt”. Hay màu đen và trắng được sử dụng rất “mạnh tay”, rất “bạo”, nhưng không gây cảm giác “ngộp” nhờ bố cục hài hòa và những màu khác được điểm xuyết “vừa vặn”. Họa sĩ nói về những bức tranh đen – trắng hoặc gần như chỉ có đen và trắng ấy: “Tôi muốn dùng ít nhất mà nói được nhiều nhất!”.

 

Trong triển lãm “Sóng ở đáy sông”, họa sĩ Lục Quốc Sỹ xuất hiện như một gạch nối nhiều ý nghĩa, mà nếu thiếu đi, người xem sẽ không thể cảm nhận trọn vẹn hành trình sống và vẽ bền bỉ của cả hai cha con, hai thế hệ nghệ sĩ cùng chọn con đường nghệ thuật vị nghệ thuật.

 

Cũng giống như cha mình, Lục Quốc Sỹ đến với nghệ thuật một cách tự nhiên, sau những năm tháng giúp bố – từ là người giúp việc cho bố, anh thấm dần ngôn ngữ tạo hình và có ảnh hưởng của ông nhưng cách anh thể hiện đầy bản năng, mộc mạc và hồn nhiên. Anh là người chứng kiến cuộc đời của người hoạ sĩ bấp bênh, khắc nghiệt vì mưu sinh và cũng từ cuộc sống của cha, anh tự xây cho mình một tấm rào chắn khá an toàn trước cuộc đời. Anh sống hồn nhiên, mưu sinh băng nhiều nghề lao động khác và tiếp tục theo đuổi nghiệp vẽ, theo đuổi đam mê của mình. Anh vẽ đầy bản năng, nét bút khoẻ khoắn, mộc mạc, đầy nội lực. Màu sắc trong tranh của anh cũng mạnh mẽ và ẩn dấu những nổi niềm thầm kín khó tả. Điểm khác biệt lớn là tới giờ, sơn mài vẫn là chất liệu duy nhất của anh, dù như người ta thường nói, chỉ ai vững vàng về kinh tế mới nên theo đuổi dòng tranh này. Chưa kể, Lục Quốc Sỹ còn chọn cách làm sơn mài “đắt đỏ” và mất công hơn cả, đó là chỉ dùng sơn ta, nhất định nói “không” với sơn công nghiệp.

 

‘Sóng Ở Đáy Sông’ không chỉ kể câu chuyện đời, chuyện nghề của hai cha con họa sĩ Lục Quốc Nhượng, Lục Quốc Sỹ, những người xem vẽ quan trọng như thở, triển lãm còn đem đến những cảm nhận thú vị lẫn ngậm ngùi và khó nhọc về sự tiếp nối của thế hệ trong bối cảnh mỹ thuật Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung.

 

Lục Quốc Nhượng tốt nghiệp trường mỹ thuật công nghiệp, ông bắt đầu vẽ từ năm 1981. Ông có rất nhiều triển lãm cá nhân và nhóm được tổ chức ở trong và ngoài nước, cũng như các tác phẩm của ông nằm trong các bộ sưu tập cả trong và ngoài nước như Pháp, Mỹ , Thuỵ Sĩ, Nhật, Anh, Canada, Hà Lan…

 

Lục Quốc Sỹ tự học. Anh tham gia rất nhiều triển lãm trong nước và giao lưu quốc tế. Anh cũng là thành viên của Hội Mỹ Thuật Việt Nam.

 

Nguồn : hanoigrapevine.com

Sản phẩm

Dịch vụ