Vi   En

Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

02432012355

Trò chuyện cùng họa sĩ Mai Long: Với tôi tư duy, lý trí luôn song hành cùng hiện thực huyền ảo, lãng

Quay lại

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Họa sĩ Mai Long (chụp năm 2016)




Tôi được nghe kể về họa sĩ Mai Long một cách trực tiếp nhất là từ buổi chuyện trò với họa sĩ Trần Lưu Hậu (bài phỏng vấn đã in trên Tạp chí Mỹ thuật số 279&280, 3-4/2016)... và khi viết đến chi tiết: “họa sĩ Mai Long dúi cho tôi 20 đồng để cho trẻ con ăn Tết... Khi cầm tiền của Mai Long, tôi cảm thấy rưng rưng trong lòng. Phần xúc động vì bạn tốt quá. Phần nữa cảm thấy mình là người đàn ông, là trụ cột trong gia đình mà chưa lo được miếng cơm manh áo đủ đầy cho các con. Những lúc như thế thì nghệ thuật cao siêu trở nên nhỏ bé trước 'miếng cơm manh áo' khắc nghiệt...” đã cho tôi (người viết bài này), dù chưa được diện kiến họa sĩ Mai Long lần nào cũng thấy cay cay nơi khóe mắt..!

Mỗi khi nhắc đến tên Mai Long, giọng của họa sĩ Trần Lưu Hậu đều chùng xuống với một sắc thái nhẹ nhàng và trìu mến. Tôi nhận thấy sự xúc động từ tận đáy lòng của ông khi nhắc tới người bạn tri kỷ hơn nửa thế kỷ (chính xác là 66 năm) đã chia ngọt, sẻ bùi với mình. Họa sĩ Trần Lưu Hậu chia sẻ: “Họa sĩ Mai Long là một người tuyệt vời, nếu có dịp, nhất định cháu phải viết về bác ấy nhé...”.

Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng; theo gia đình lên Hà Nội từ năm 1944. Bố mẹ qua đời khi ông 15 tuổi. Sau đó, ông quay trở về Nam Định (vốn là quê gốc). Cũng từ đây, cơ duyên đã đưa ông đến với nghệ thuật rất sớm với việc học khóa kháng chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân trong ba năm (1950 - 1953).

Tôi đến nhà họa sĩ Mai Long vào một buổi sáng mùa hè (7/2016). Nhà ông nằm tít trong làng cổ Ngọc Hà; phải vòng qua cái hồ cùng tên lừng lẫy vẫn còn một phần xác chiếc máy bay B52; phải đi qua con ngõ nhỏ vòng vèo với gần chục cuộc điện thoại tôi mới tìm được nhà ông. Khi bấm chuông, nhìn qua song cửa, tôi thấy một căn nhà giản dị, chắc được xây đã lâu nhưng vẫn không kém phần bề thế, hòa cùng thiên nhiên cây cỏ khiến cho ta có cảm giác trở về quá khứ mấy chục năm trước. Cổng mở, đón tôi sau cánh cửa là một họa sĩ già có mái tóc lưa thưa bạc, có nụ cười thân thiện và tươi rói. Tiếp xúc với ông, nói chuyện với ông mới thấy rõ sự nhanh nhẹn, minh mẫn, lạc quan, vui vẻ, hài hước, yêu đời luôn toát ra từ lời nói đến phong thái, cử chỉ...

Sau những câu thăm hỏi xã giao, sau khi chầm chậm thăm thú các căn phòng của ba tầng nhà treo đầy tranh tôi đã định hình ngay một khái quát về tính cách con người ông. Căn nhà xây đã 36 năm (từ 1980) và có chỉnh trang tí chút nhưng cấu trúc của nó rất hợp lý và khoa học. Ngay cả căn phòng làm việc của ông trên tầng ba, ngoài sự thoáng đãng với các khung cửa sổ lớn đón ánh sáng rất cần cho việc vẽ... còn có một căn phòng nhỏ xinh kế bên hông nhà đã được giật cấp thấp xuống để ông chuyên rửa lụa... kế bên đối diện có chiếc cầu thang ra ngoài dẫn xuống một căn phòng trưng bày nhỏ chỉ treo tranh cho khách xem... Tất cả không gian đều được tính toán kỹ lưỡng và hợp lý. Nhưng trái lại với tư duy logic về không gian, về kiến trúc căn nhà (ý tưởng thiết kết là của ông). Hầu hết các bức tranh treo kín tường dù là lụa, sơn mài, phấn màu hay sơn dầu đều đẹp... đẹp một cách mơ màng và lãng mạn trong một hiện thực huyền ảo giàu chất thơ, đậm chất nghệ thuật.

Và câu chuyện đầu tiên của hai bác cháu là về căn nhà...

 


MAI LONG - Cấy lúa ở Cao Bằng. 1995. Lụa. 80x100cm



Hoàng Anh: (tếu táo trêu họa sĩ Mai Long) Theo lời kể của họa sĩ Trần Lưu Hậu, hồi trước bác oách lắm, phong lưu nữa, nhà cũng to thuộc dạng nhất nhì giới họa sĩ lúc mới xây... bác cũng thường hay giúp đỡ anh em, bạn bè lúc khó khăn. Thế mà bây giờ thì so với nhà bác Trần Lưu Hậu thì nhà bác nhỏ hơn nhé...

Họa sĩ Mai Long: (cười tươi rói, hóm hỉnh) Ấy, ai cũng nghĩ bác phong lưu lắm, rủng rỉnh lắm; vì hồi những năm 70, 80 bác cũng có chút may mắn khi tranh được các bạn nước ngoài yêu mến. Với cả, bác lúc nào cũng vui, có bao giờ kêu khổ đâu nên ai cũng tưởng bác giàu đấy. Nhưng chính ra thế lại rất hay (cười hóm hỉnh) bác mà muốn vay tiền là rất dễ đấy nhé. Vì họ nghĩ bác giàu mà, sẽ cho vay ngay... vay thoải mái luôn.

 

Hoàng Anh: Cái này lợi hại thật đấy bác nhỉ. Vậy cái may mắn của bác có phải là do bác đã chọn lụa là chất liệu chủ đạo... (mà trong mắt người nước ngoài thì lụa và sơn mài vốn được coi là chất liệu đặc sản dân tộc)...chủ đề trong tranh lại chuyên về phong cảnh, thiếu nữ nữa. Chính tạo hình đẹp mắt, giàu chất mơ, nhiều chất thơ theo lối vừa hiện thực, vừa huyền ảo lại vừa lãng mạn... nên tranh của bác nhận được nhiều sự đồng cảm của cảm xúc người xem phải không thưa bác?

H.S Mai Long: (giọng trở nên rất nghiêm túc) Bác không nghĩ là như vậy. Bác đã từng vẽ qua rất nhiều chất liệu như: sơn dầu, sơn mài, giấy dó. Bởi đã là họa sĩ thì ai cũng muốn thử nghiệm và thử thách năng lực sáng tạo; vì suy cho cùng thì chất liệu nào cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Cái quyết định vẫn là tài năng người họa sĩ. Một bức tranh đẹp, một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và sức sống lâu bền không phải là chất liệu mà vẫn phải là giá trị của tài năng và tâm hồn người nghệ sĩ. Điều này đã được khẳng định trong nhiều giai đoạn diễn biến không ngừng của lịch sử mỹ thuật thế giới. 
 


MAI LONG - Nguyệt cầm. 1982. Lụa. 80x100cm

Còn tại sao bác chọn lụa là chất liệu chủ yếu trong sáng tác thì không có sự tính toán gì ở đây cả...chỉ đơn giản là đối với bác đó là chất liệu phù hợp nhất để có thể diễn đạt và bày tỏ đầy đủ nhất xúc cảm của mình trước hiện thực cuộc sống. Chứ bác không nghĩ rằng sơn mài hay lụa mới là sắc thái dân tộc, là giá trị đặc thù của nghệ thuật dân tộc. Bác đã vẽ lụa hơn 51 năm với nhiều đề tài và cảm xúc khác nhau; đã từng thử tìm nhiều cách phối hợp nhiều chất liệu, nhiều thứ lụa khác nhau, cố gắng diễn tả những trạng thái tâm hồn với nhiều hòa sắc, nhiều biến ảo... thì vẫn chỉ là con đường đi tìm chân lý nghệ thuật là cái đẹp.

 

H.A: Trong tạo hình, ngoài thẩm mỹ thị giác về cái đẹp (có thể bất biến theo thời gian) thì tính lịch sử cũng được coi là một khía cạnh rất quan trọng. Trong tác phẩm của bác hai vấn đề này được dung hòa như thể nào thưa bác?

H.s Mai Long: Lịch sử luôn nằm trong tác phẩm. Bác vẽ khá nhiều đề tài: chiến tranh, lao động sản xuất, phong cảnh quê hương đất nước, những con người bác đã gặp ở những nơi bác đã sống, đã tới. Nhưng bác luôn giản lược nhất “khói bom, thuốc súng, mùi chiến trường” hay “vất vả, cực nhọc” của người nông dân đến hết mức có thể... người xem luôn cảm nhận được chất thơ, chất trữ tình của những hoàn cảnh tưởng chừng như “cam go” và “mệt nhọc” nhất. Bác luôn cố gắng nêu bật nên những gì tươi sáng và đáng yêu nhất trong mọi hoàn cảnh. Như vậy, cuộc đời mới tươi vui được..


MAI LONG - Khèn lên man điệu. 1983. Lụa. 80x100cm


H.A: Thảo nào, cô dân quân người dân tộc trong tạo hình của bác, vai đeo súng mà quần áo thật đẹp, thần thái tươi sáng, nhẹ nhàng... tranh cấy lúa thì dáng cúi mềm mại, đường nét hấp dẫn (thậm chí trông sexy nữa)... núi non điệp trùng xa xa như thơ, như mơ... đẹp, bác ạ. Đến tận bây giờ cháu thấy lối tạo hình ấy vẫn được bác kiếm tìm và hoàn thiện...

 

H.s Mai Long: Đúng vậy... Vì trước một thứ mang tính thẩm mỹ đẹp và hài hòa thì thị giác luôn có sự đồng cảm. Khi tìm tòi sáng tạo cái đẹp cũng thế. Bác luôn trăn trở khi sáng tác, kỳ vọng khi hoàn thành và đã có nhưng niềm vui khi thấy lóe sáng một điều gì mới lạ trong cách diễn tả... dù có khi chỉ là vấn đề kỹ thuật. Nói thật cũng không ít lần bác đã nếm những thất bại cay đắng để phải buồn bã vò nát những bức tranh đã phải lao động nhiều ngày, nhiều sức lực và trí tuệ. Đến tận bây giờ, nghệ thuật vẽ tranh lụa đối với bác vẫn còn là tiếp tục của những thử nghiệm để tìm kiếm cái đẹp mênh mông xa vời!

 

H.A: Toàn bộ các căn phòng của bác trong ba tầng nhà đều treo kín tranh, chưa kể đến những hòm tranh lụa đã hoàn thành nhiều năm dựng dưới chân tường. Trên hai giá vẽ là hai phác thảo tranh lụa khổ lớn. Có phác thảo cháu thấy đề từ những năm 1980, bây giờ mới được chỉnh sửa tiếp. Mà cháu nói thật đây là lần đầu tiên cháu nhìn thấy những bức phác thảo được vẽ chì kỹ như thế này. Năm nay bác đã 87 tuổi rồi mà cường độ lao động có vẻ vẫn rất cao. Điều gì khiến bác có thể lao động không biết mệt mỏi từ khi còn trẻ cho đến tận bây giờ mà vẫn giữ được tình yêu nghệ thuật và niềm say mê sáng tạo?

H.S Mai Long: Bác vẫn nghĩ rằng số bác may mắn nên đã được học và được làm cái nghề mà mình yêu thích. Đó là được vẽ, được bày tỏ cảm xúc của mình trước cuộc sống bằng ngôn ngữ hội họa. Có thể nói, nghề vẽ đối với bác là một niềm đam mê, không phải chỉ khi ngồi trước giá vẽ bác mới nghĩ tạo hình như thế nào... mà những hình tượng nghệ thuật hầu như luôn ám ảnh trong tâm trí bác ở mọi lúc, mọi nơi và thường xuất hiện ngay cả trong những giấc mơ. Ngày nào vướng bận công việc khác mà không vẽ được thì bác cảm thấy bứt rứt không yên...

 


Họa sĩ Mai Long và nhà báo Hoàng Anh chụp tại nhà riêng của họa sĩ tháng 7/2016

 

H.A: Khi sáng tác liên tục như thế trong mấy chục năm, có khi nào bác đã trải qua những khoảng thời gian bế tắc, khi cảm xúc mờ nhạt, khi cảm hứng không còn để có thể cầm cây bút vẽ không thưa bác?

H.S Mai Long: (trầm ngâm) Có chứ. Đó là những khoảnh khắc bi đát nhất đối với họa sĩ. Con người bần thần, ngơ ngơ như kẻ mộng du và rồi phát ốm. Nhưng cũng may là đối với bác những thời điểm đó rất hiếm. Nói có vẻ lý luận và công thức nhưng lại là sự thật. Bác luôn lấy cảm hứng từ những lần di chuyển, những cuộc điền dã tiếp cận với thiên nhiên, với sinh hoạt đời thường của những vùng đất mới lạ. Điều này đã đem đến cho bác những tình yêu, những cảm xúc mới mẻ... từ đó nảy sinh những hình tượng vô cùng phong phú và hấp dẫn để giúp bác hình thành những tác phẩm mới một cách kỳ diệu và trở lại với những ngày làm việc mê mải. Chính cuộc sống hiện hữu quanh ta là nguồn năng lượng vô tận làm cho họa sĩ thăng hoa với những sáng tạo. Chính cuộc sống đã làm nảy sinh những tưởng tượng, lãng mạn, những sáng tạo bất ngờ để hình thành những phong cách nghệ thuật liên tiếp trong lịch sử mỹ thuật.

 


MAI LONG - Ký ức trẻ thơ. Lụa. 80x100cm

 


 

 


MAI LONG - Mưa rừng. 1995. Giấy dó. 50x70cm

 

H.A: Có phải từ những cảm hứng sáng tạo phong phú ấy nên có thời kỳ bác tạo hình theo trường phái Lập thể trên nền lụa với motif dân gian... Vì khi nhắc đến tranh lụa Mai Long ngoài lối vẽ hiện thực huyền ảo và lãng mạn mà mọi người ấn tượng thì còn là những bức nổi tiếng theo lối Lập thể như Súy Vân, Ký ức trẻ thơ, Nguyệt Cầm, Nhạc cổ chẳng hạn...

H.S Mai Long: (sôi nổi hẳn lên) Bác có khoảng 30 bức sau vài năm thử vẽ trên lụa theo trường phái Lập thể. Những bức tranh này cũng đánh dấu một giai đoạn thử thách để tìm ra cách nhìn và cách diễn tả của riêng mình. May mắn là Lập thể trên lụa của Mai Long cũng đã có sự yêu mến nhất định của mọi người. Đến tận bây giờ bác vẫn ham muốn sáng tạo, chỉ tiếc là sức khỏe và quỹ thời gian bác chẳng còn bao lâu nữa...

 


MAI LONG - Sông Đà. 2006. Sơn dầu. 80x100cm

 

H.A: Qua internet, qua báo chí, qua sách (cả trong và ngoài nước) cháu thấy gần đây bác bày tranh liên tiếp ở các nước châu Âu, bác đi khắp nơi. Công chúng nước ngoài đã tiếp nhận tranh lụa như thế nào ạ?

H.S Mai Long: Bác đã trực tiếp vẽ trên lụa đã căng sẵn trên chatssi ở tại triển lãm, trước sự chứng kiến của rất nhiều người xem. Sự huyền ảo và lan tỏa của màu nước trên các thớ lụa từ chi tiết thành lớp lang, thành không gian một cách huyền ảo... cả mặt trước lẫn mặt sau là điều thu hút họ nhất. Hiện nay lụa đang có vẻ kém thế so với các chất liệu khác. Nhưng thật sự, lụa có những vẻ đẹp tạo hình đặc biệt mà các chất liệu khác như sơn mài, sơn dầu không có được. Quan trọng là chúng ta tìm ra được những chủ đề và lối vẽ thích hợp cho mình mà thôi. Mỗi cá nhân họa sĩ phải hiểu rõ thế mạnh trong sáng tạo nghệ thuật của mình là gì và như thế nào. Đấy là điều rất quan trọng.

 

H.A: Nhìn lại suốt quãng thời gian sống, làm việc sáng tác của mình... Bác muốn nói điều gì thưa bác?

H.S Mai Long: Bác đã 87 tuổi, vinh quang, vất vả, đau khổ, sung sướng, hạnh phúc đều đã nếm đủ. Kinh tế lúc nhiều lúc ít. Nhưng bác tự thấy nếu nỗ lực làm việc nghiêm túc thì thành công sẽ đến; chỉ là sớm hay muộn; nhiều hay ít mà thôi. Nhưng chắc chắn đã có lỗ nực thì không thể mãi là một người đàn ông kém cỏi và một nghệ sĩ tồi. Vì thế, hãy sống có chuẩn mực và tốt nhất có thể để mai kia khi trở về cát bụi thì con cháu mình không phải xấu hổ, phải buồn khi có ai nhắc đến tên mình. Như thế là mình đã trọn vẹn với cuộc đời...

 

 


MAI LONG - Sông Tam Bạc. 1961. Sơn dầu

 

H.A: Bác và họa sĩ Trần Lưu Hậu đến tuổi này mà vẫn còn giữ nguyên sự đam mê trong sáng tạo nghệ thuật. Điều ấy thật vô cùng trân trọng và đáng quý. Hai bác là hai trường phái tạo hình gần như khác biệt... vậy đôi bạn già tâm giao chuyện trò gì khi gặp gỡ thưa bác?

H.S Mai Long: Hai ông vẫn nhiều chuyện lắm, vẫn hẹn hò nhau đi taxi ra quán uống bia (làm một cốc cho vui thôi). Chuyện thì nhiều vô kể. Nhưng đặc biệt tôn trọng nhau về quan điểm nghệ thuật riêng của mỗi người. Bây giờ thì chỉ mong khỏe thôi để vẽ. Và nhờ vẽ để có thêm sức khỏe, cảm hứng thành thú vui tuổi già.

 

H.A: Thật là một tình bạn tuyệt vời và đáng trân trọng. Thay mặt Ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật cháu xin chúc bác sức khỏe, niềm vui và mong bác luôn say mê sáng tạo nên những tác phẩm cho cuộc đời thêm đẹp.

Hoàng Anh thực hiện

Nguồn :vietnamfineart

Sản phẩm

Dịch vụ