Số 299 - Trung Kính, tòa nhà Housing, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điêu khắc có mặt ở các công trình khác như đền, nghè, chùa…, nhưng không ở đâu nó được biểu hiện hết mình như ở đình làng. Điêu khắc kiến trúc đình là một kho tàng phong phú phản ánh sinh động đời sống hiện thực và tâm hồn người nông dân Việt Nam.
Tác giả: Hoàng Văn Khoán – Nguyễn Đức Kiên.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 338, tháng 8/2012.
Đình làng là ngôi nhà chung của một cộng đồng cư dân, nơi cố kết tình làng nghĩa xóm, là một yếu tố hiện hữu của văn hóa làng xã Việt Nam. Đình xuất hiện khá sớm ở miền Bắc Việt Nam, nhưng với đình làng hiện biết, đa số được xây dựng vào thế kỷ 17, nhiều nhất có niên đại Chính Hòa (1680-1705) dưới thời Lê Hy Tông. Có thể nói thế kỷ 17 là thế kỷ của đình làng, việc phát triển đình làng kéo theo sự phát triển cao độ nghệ thuật điêu khắc kiến trúc. Điêu khắc có mặt ở các công trình khác như đền, nghè, chùa…, nhưng không ở đâu nó được biểu hiện hết mình như ở đình làng. Điêu khắc kiến trúc đình là một kho tàng phong phú phản ánh sinh động đời sống hiện thực và tâm hồn người nông dân Việt Nam. Nó mang tính dân gian, lãng mạn và nhân văn sâu sắc. Chúng tôi giới thiệu dưới đây 3 bức chạm cụ thể ở ba ngôi đình thế kỷ 17.
Bức chạm trên cốn bên phải của gian giữa đình Phất Lộc thuộc xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, mô tả một người phụ nữ tay phải cầm chiếc môi xúc cho lợn ăn, tay trái bế con và cho con bú. Đây là bức chạm ẩn ý để người xem tìm ra đáp số, tự kết luận, một phong cách nghệ thuật mà ngày nay được sử dụng khá phổ biến. Người đến thăm đình thấy cảnh lợn kêu, con khóc liền đọc tiếp chồng đòi tòm tem. Thế là bức chạm đã đạt được ý tưởng của nhà nghệ sĩ. Ba đối tượng: chồng, con, lợn đều có nhu cầu cấp thiết, lại xảy ra đồng thời mà người phụ nữ cần đáp ứng. Qua bức chạm, nhà nghệ sĩ đã lột tả khá sâu sắc nỗi khổ của người đàn bà nông thôn dưới chế độ phong kiến.
Một bức chạm khác khắc ở kèo đầu hồi đình Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã tả một người phụ nữ bế con quay mặt về một bên, sau lưng là một chàng trai lấm lét nhìn trộm người đàn bà. Nhân dân địa phương gọi là thằng ngô con đĩ. Trong bài viết của Nguyễn Thị Tuấn Tú với đầu đề Nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc đình làng thế kỷ 17 ở châu thổ sông Hồng đăng trong tạp chí Di sản văn hóa số 3 (28) – 2009 đã cắt bỏ chàng trai chỉ để lại người phụ nữ bế con và đề là Mẫu tử. Cả hai ý kiến trên không phản ánh nội dung bức chạm. Chúng tôi đặt tên cho bức chạm này là Gái một con. Bức chạm chỉ có một phụ nữ bế con và một chàng trai. Nhà nghệ sĩ đã miêu tả mỗi người một vẻ. Người phụ nữ bế con quay mặt đi biểu lộ sự phản ứng nhẹ nhàng, tỏ ra một người đã có chồng con mà vẫn giữ được nét chính chuyên và đức hạnh. Còn chàng trai, nghệ sĩ lại miêu tả cách khác. Chỉ mấy nhát đục đơn giản lột tả cặp mắt đắm đuối nhìn người đẹp. Trong thực tế cuộc sống, người phụ nữ sau khi sinh con thay đổi về sinh lý, thân thể nở nang, da dẻ hồng hào, đẹp hơn thì con gái. Dân gian có câu gái một con trông mòn con mắt. Không phải chỉ có chàng trai đó, cái đẹp ai mà chẳng muốn nhìn. Bức chạm đã thể hiện một tính nhân văn khá sâu sắc.
Bức chạm thứ ba khắc trên cốn gian giữa ở đình Hưng Lộc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Tác giả Nguyễn Bích đặt tên cho bức chạm này là Bốn nụ cười, chúng tôi đồng ý tên gọi bức chạm đó của Nguyễn Bích. Nụ cười Việt Nam là một đặc điểm văn hóa: cười mỉm, cười duyên, cười nhạt, cười thầm, cười đểu… Dân gian tổng kết có 36 nụ cười, nhà nghệ sĩ chọn một sự việc có bốn nụ cười khác nhau. Chàng trai bế người phụ nữ ngồi lên đùi, giơ tay với tới thiên đàng; anh ta dừng lại bởi người phụ nữ kia đã nắm được của nợ của người đàn ông. Nàng cười thầm trong bụng tỏ ra khoái lạc. Chàng trai nở nụ cười mỉm, không nhích mép, mắt lim dim tỏ ra sung sướng. Người ngồi bên cạnh giơ ngón tay trỏ chỉ vào mặt chàng trai kia nở nụ cười chế diễu, miệng cười toe toét, để lộ cả hàm răng cửa. Còn một người khác đứng cạnh lấy tay bưng miệng mà cười.
Có người cho bức chạm mang nội dung phồn thực. Song nếu nhìn khái quát nội dung điêu khắc đình làng thế kỷ 17 ngay cả thế kỷ 16, 18, 19 chủ yếu phản ánh hiện thực cuộc sống mang tính dân gian, đặc biệt thế kỷ 17 ta thường gặp: người đi cày, đi cấy, săn bắn, đánh cờ, đánh vật, chọi gà, chọi trâu, chèo thuyền, đuổi hổ, chồng người làm xiếc, quan hệ nam nữ, phổ biến là rồng và những điển tích thần thoại như cá chép hóa rồng, đám cưới chuột, bái tổ vinh quy… chưa thấy một bức chạm trổ nào mang yếu tố phồn thực.
Nhìn vào bức chạm bốn nụ cười, thoạt đầu ta cảm thấy tục, nhưng lại rất thanh. Nó chứa đựng một nội dung chống đạo đức giả dối của phong kiến mạnh mẽ. Triều đình cho đến quan lại lấy đạo đức Nho giáo để ràng buộc người nông dân vào khuôn phép.
Gặp Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên vội xua tay:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai
Trong lúc đó:
Bộ binh, bộ hộ, bộ hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi
Có những ông vua hoang dâm vô độ, ra yết triều không ngồi được, phải nằm – ngọa triều. Ngược lại một người con gái không chồng mà chửa thì cạo trọc đầu bôi vôi, bêu riếu giữa đình làng. Nhân dân bênh vực ngay:
Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian sự thường
Cảnh tượng như trên ta cũng gặp ở những đình khác. Ở đình Phù Lão, tỉnh Bắc Giang có những cô gái khỏa thân, hoặc những cô gái vén cao váy để lộ bộ phận cần che đậy, ngồi trên đầu rồng hoặc râu rồng cùng với bạn trai. Hình tượng con rồng là tượng trưng cho vua. Con gái khỏa thân ngồi trên đầu rồng là một hành động phạm thượng cố ý, biểu lộ sự phản ứng táo bạo của người nông dân đối với thế lực thống trị.
Nhìn rộng ra ở các nước châu Âu cũng vậy; nếu ai đã đến bảo tàng Hermitage ở thành phố Sankt Petersburg nước Nga, ta sẽ thấy rất nhiều bức tượng tạc bằng đá trắng các cô gái nằm khỏa thân. Đây là một thời kỳ giai cấp tư sản đang lên chống lại tư tưởng của giai cấp phong kiến đã từng vùi dập con người trong cả một đêm trường trung cổ.
Nói tóm lại, người nông dân Việt Nam vừa là một nhà kiến trúc, vừa là một nhà điêu khắc đã ký thác tâm hồn và trí tuệ của mình tạo ra những đình làng, một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của làng xã Việt Nam nghìn năm văn hiến …
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT